Quận Tây Hồ, Hà Nội: Đồng hành với người dân phục hồi sản xuất sau bão lũ

Quận Tây Hồ, Hà Nội: Đồng hành với người dân phục hồi sản xuất sau bão lũ
8 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ “mất trắng” trước Tết
Bão số 3 và lũ từ thượng nguồn sông Hồng đổ về đã nhấn chìm hàng vạn gốc đào tại phường Nhật Tân, Phú Thượng và khu vực trồng quất phường Tứ Liên, Quảng An. Bão số 3 cũng cuốn trôi hy vọng của nhiều gia đình về một mùa bội thu vào dịp cuối năm, để lại nhiều nỗi lo âu, khắc khoải về tương lai; hình ảnh những cây đào, quất xanh mướt cả một vùng ven sông giờ đã thay thế bằng hình ảnh héo úa, hoang tàn nhuộm màu bùn đất.
Chứng kiến những gốc đào của gia đình bị hư hỏng do úng nước, chị Đỗ Hồng Yến (phường Nhật Tân) không khỏi xót xa; chị Yến chia sẻ, 2.500 gốc đào thế và đào cành của gia đình được chăm bẵm kĩ càng chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới nhưng nước lũ dâng cao nên đã gần như mất trắng; để khôi phục lại vườn đào, gia đình chị cần ít nhất 500 triệu đồng và nhiều thời gian, công sức. “Tôi rất lo lắng vì không biết lấy đâu ra tiền để tái sản xuất. Bình thường đào giống chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/gốc nhưng vào thời điểm này, giá giống bị đẩy lên cao đến 30.000 đồng/gốc, thậm chí còn không mua được giống”, chị Yến buồn bã nói.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng kiểm tra công tác bố trí các điểm di dời cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Trần Tâm
Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nhiều hộ đã sẵn sàng nhổ đào, úp chậu xuống vì cây chết không thể phục hồi. Ngay cả những gốc đào cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, trăm năm được người dân nâng niu, chăm sóc kỹ lưỡng với những luống đất cao cũng không tránh khỏi bị ngập, ngâm mình trong nước. Theo báo cáo của UBND quận, tổng diện tích cây trồng, hoa màu trên địa bàn quận bị thiệt hại khoảng 179,05ha, tương đương 86,555 tỷ đồng.
Trưởng Phòng Kinh tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cho biết, đối với những cây có thể phục hồi, quận đã liên lạc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả trung ương để có hướng dẫn về mặt kỹ thuật giúp người dân; đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các diện tích còn lại. “Hiện, hội làng nghề trồng đào đã lên vùng cao mua các loại đào giống, trên cơ sở đó người dân sẽ ghép các cành, mắt của đào Nhật Tân vào. Tuy nhiên, việc hồi phục lại các vườn đào cần tối thiểu 2 năm. Do vậy, sẽ không kịp có đào, quất để tiêu thụ vào dịp Tết sắp tới”, ông Hùng chia sẻ.
Hỗ trợ người dân vay vốn lãi suất 0%
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo quận, trực tiếp là Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng trong chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão, lũ, quận Tây Hồ đã khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh và giúp người dân ổn định cuộc sống. Theo đó, Bí thư Quận ủy đã kịp thời chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát những nơi bị ảnh hưởng nặng nề và lên kế hoạch hỗ trợ người dân trong thời gian sớm nhất. Những biện pháp hỗ trợ tín dụng, vay vốn với lãi suất ưu đãi đã được triển khai để giúp đỡ bà con khôi phục sản xuất.
Trưởng Phòng Kinh tế quận Trần Gia Hùng chia sẻ, với nhu cầu vay vốn rất lớn hiện nay của người dân, UBND quận đang đẩy nhanh đề xuất với HĐND quận thông qua việc hỗ trợ cho người dân được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0%, thời gian dự kiến từ 2 - 3 năm. “Hiện, quận đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội quận 20 tỷ đồng cho người dân vay phát triển sản xuất, tới đây, quận sẽ bố trí thêm 65 tỷ đồng nữa”, ông Hùng cho biết thêm.
Cùng với việc giãn nợ, cho vay vốn phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, thời điểm này, quận đã định hướng cho bà con canh tác thêm các loại hoa, rau màu nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân. Trong đó, quận sẽ hướng bà con phường Phú Thượng chuyển sang trồng hoa dơn, hoa loa kèn; khu vực phường Nhật Tân tổ chức trồng hoa cúc; phường Tứ Liên chuyển sang trồng màu; khu vực bãi giữa sông Hồng chuyển sang trồng màu, cây dược liệu… để bảo đảm cuộc sống của người dân cũng như phục vụ Tết Nguyên đán.
Trước những thiệt hại lớn quận Tây Hồ đang gặp phải, UBND thành phố Hà Nội đã hỗ trợ nguồn kinh phí để quận khắc phục. Tuy nhiên, căn cứ vào Nghị định 02 của Chính phủ và Quyết định 07 của UBND thành phố về hỗ trợ do thiên tai, lũ lụt đối với sản xuất nông nghiệp, UBND quận Tây Hồ đề nghị, thành phố có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với những hộ trồng đào, quất truyền thống. Bởi theo quy định, trong danh mục hỗ trợ lại không có tên của 2 loại cây trồng này. Do vậy, nếu không có thêm những chính sách đặc thù, người dân khó khôi phục lại các làng nghề trong thời gian sớm nhất.
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Quận ủy, ngay sau bão, các đoàn, thể địa phương trên địa bàn đã tích cực hỗ trợ người dân dọn dẹp, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy, giúp môi trường trở lại trạng thái an toàn. Hình ảnh những người dân lao động cùng nhau khôi phục lại vườn tược, dọn dẹp môi trường sau bão mang đến một thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết và sự vượt lên khó khăn thử thách.
Bão số 3 đã mang đến nhiều khó khăn, thiệt hại cho người dân quận Tây Hồ, đặc biệt là những hộ trồng đào, quất và hoa màu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và tinh thần đồng lòng của người dân, hy vọng rằng, Tây Hồ sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này; qua đó, không chỉ tái sản xuất thành công mà còn giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Trần Tâm
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/quan-tay-ho-ha-noi-dong-hanh-voi-nguoi-dan-phuc-hoi-san-xuat-sau-bao-lu-post390829.html