Giữa biển đời dâu bể, hình ảnh Quán Âm hiện lên như đóa sen tinh khôi giữa phong ba: tĩnh lặng mà linh ứng, gần gũi mà nhiệm mầu. Trong khổ đau, mọi người xưng danh Ngài. Trong nguy nan, mọi người cầu cứu Ngài. Trong bóng tối của tuyệt vọng, mọi người tìm thấy ánh sáng của Ngài như một dòng suối mát trong nội tâm dịu dàng, êm ái và đầy năng lượng chuyển hóa. Đây còn là dịp để người con Phật dừng lại, thắp sáng niềm kính tin và tự quán chiếu lại hành trình tu tập của chính mình.
Danh hiệu “Quán Thế Âm” (觀世音) mang hàm nghĩa rất sâu sắc. “Quán” (觀) là chiếu soi, là quán sát thâm sâu bằng trí tuệ Bát-nhã; “Thế Âm” (世音) là âm thanh từ thế gian, những tiếng kêu cứu trong đau khổ, trong tuyệt vọng, trong khốn cùng. Bồ-tát không đơn thuần “nghe” như một thụ động, mà là “quán chiếu” đến tận gốc rễ nỗi khổ niềm đau của chúng sanh để tìm phương tiện cứu độ.
Mỗi người chúng ta đều có sáu căn, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu giác quan này có sáu đối tượng gọi là sáu trần, mắt thì đối sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp trần. Sáu căn duyên với sáu trần sinh ra sáu thức. Thức là phân biệt, hễ còn phân biệt còn khổ nên người tu phải chuyển thức thành trí. Có trí thì hết khổ.
Sau khi thành tựu Nhĩ căn viên thông, pháp môn nghe sâu, Bồ-tát Quán Âm hành trì sáu pháp Ba-la-mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Do làm tất cả hạnh nguyện với tinh thần Ba-la-mật, nên viên dung giữa mình và người, không có tâm mong cầu sở hữu, đồng cảm với cái khổ của người. Nhờ thế mà giúp được người một cách trọn vẹn.
Giữa biển đời dâu bể, hình ảnh Quán Âm hiện lên như đóa sen tinh khôi giữa phong ba: tĩnh lặng mà linh ứng, gần gũi mà nhiệm mầu. Trong khổ đau, mọi người xưng danh Ngài. Trong nguy nan, mọi người cầu cứu Ngài. Trong bóng tối của tuyệt vọng, mọi người tìm thấy ánh sáng của Ngài như một dòng suối mát trong nội tâm dịu dàng, êm ái và đầy năng lượng chuyển hóa. Đây còn là dịp để người con Phật dừng lại, thắp sáng niềm kính tin và tự quán chiếu lại hành trình tu tập của chính mình.
Trong kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn, Đức Phật đã ngợi khen công hạnh của ngài Quán Thế Âm: “Nếu có chúng sinh nào bị khổ não mà xưng danh hiệu Ngài một lòng cung kính, Bồ-tát tức thì lắng nghe và cứu độ.” Không những vậy, Ngài có hiện thân ba mươi hai ứng hóa tùy theo căn cơ của chúng sinh để hóa độ, khi là Tỳ-kheo, lúc là vua chúa, khi là phụ nữ, lúc là đồng tử… Dù hình tướng có khác, nhưng bản thể từ bi và trí tuệ của Ngài vẫn tròn đầy không suy giảm.
Theo kinh Quán vô lượng thọ, Quán Âm Bồ-tát cùng Đại Thế Chí Bồ-tát là thị giả của Đức Phật A Di Đà, thường xuyên trợ duyên tiếp dẫn chúng sinh về cõi Tịnh độ. Nhưng đồng thời, Ngài cũng phát nguyện hiện thân trong thế gian, nghe tiếng khổ và cứu khổ. Đây chính là tinh thần nhập thế của Bồ-tát hạnh, không chọn an vui riêng mình, mà cùng khổ cùng vui với tất cả chúng sinh.
Công hạnh ấy không dừng ở lý thuyết hay hình tượng, mà được minh chứng bằng pháp môn tu tập. Ngài trình bày về Nhĩ căn viên thông “Phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”, nghĩa là quay về nghe tự tánh, tánh ấy thành đạo vô thượng. Ngài lắng nghe âm thanh bên ngoài, rồi quay về nhận lại tánh nghe nơi chính mình, cuối cùng thể nhập tánh nghe viên mãn.
Trong kinh Pháp hoa, Bồ-tát Thường Bất Khinh mang thông điệp duy nhất cho mọi loài là: “Tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ.” Bồ-tát Dược Vương tiếp nối con đường bằng thông điệp ân nghĩa và thủy chung. Bây giờ Bồ-tát Quan Thế Âm lại tiếp nối với thông điệp đại từ đại bi, Ngài đã mang đến cho chúng sanh năng lượng bình an không sợ hãi. Với cánh cửa phổ môn, đã mở ra cho tất cả mọi loài đều có thể đi vào ngôi nhà Phật pháp.
Nhìn vào Bồ-tát Quan Thế Âm chúng ta thấy Bồ-tát Thường Bất Khinh, cũng thấy được Bồ-tát Dược Vương. Vì con đường của tín nghĩa, ân tình, sự thủy chung cũng có mặt ở đây. Bồ-tát Quan Thế Âm lập nguyện là khi nào có người nhớ nghĩ tới và niệm danh hiệu của Ngài thì Ngài sẽ có mặt ngay trong giờ phút đó.
Quan Thế Âm có nghĩa là lắng nghe những âm thanh của cuộc đời, cũng chính là chúng ta. Khi ta thực tập hạnh quán chiếu, lắng nghe để thoát những gông cùm, hệ lụy tham sân si trong tâm. Thấy được mình may mắn, hạnh phúc, thấy bản chất thật của cuộc sống là vô thường. Với trí tuệ và tâm đại bi, ngài lắng nghe và hiểu rõ mọi khó khăn, khổ đau của cuộc sống rồi phương tiện quyền xảo để cứu giúp mà không phân biệt kỳ thị, không phán xét phản ứng, chỉ nghe với tấm lòng yêu thương và cảm thông.
Sống trong đại chúng, sẽ có nhiều sự va chạm không tránh khỏi những phiền não. Cần học hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh để bình tĩnh, hiểu biết, lắng nghe, nhìn sâu. Càng giận càng làm tổn thương chính mình và làm cho những chủng tử xấu trong tàng thức không thể tiêu mòn. Không phải ai cũng trở thành Bồ-tát, nhưng ai cũng có thể quay về sống với tâm Quán Âm. Khi quán chiếu được như vậy, tự nhiên trong tâm không còn kỳ thị phân biệt mà chỉ có tình thương và bao dung, yêu thương cả người làm khổ ta, người chưa hiểu ta, người trái ý nghịch lòng. Vì chỉ khi nào lòng ta không còn ngăn ngại, thì tình thương ấy mới thực sự giải thoát và hóa giải được khổ đau, đó gọi là Quán Thế Âm.
Trong tâm thức người Việt, hình ảnh Quán Thế Âm là hiện thân của người Mẹ từ bi. Từ miền núi đến vùng biển, từ đồng bằng đến hải đảo, trên khắp dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng có điện thờ Quán Âm. Đặc biệt, hình tượng Quán Âm Nam Hải đứng giữa biển lớn, tay cầm tịnh bình dương liễu, ánh mắt từ hòa nhìn về nhân gian đã trở thành điểm tựa tinh thần cho biết bao người dân sống ven biển, giữa sông nước mênh mông. Không chỉ trong chùa, mà ngay trong mái nhà đơn sơ của nhiều Phật tử, hình ảnh Quán Âm cũng hiện hữu nơi bàn thờ trang nghiêm. Người dân không chỉ lễ kính Ngài bằng hoa hương, mà còn bằng niềm tin, lòng hiếu thuận và tâm nguyện sống thiện lành. Trong những lúc khổ đau, hoạn nạn, người ta hướng về Quán Âm với một lòng tin tưởng vững vàng như đứa trẻ tìm về vòng tay mẹ.
Trong ánh sáng trang nghiêm của ngày thành đạo, cúi đầu đảnh lễ Bồ-tát Quán Thế Âm, bậc đại từ bi vô lượng, người mẹ tâm linh của nhân loại. Đệ tử nguyện học theo Ngài, lắng nghe sâu sắc, hiểu tận gốc rễ, yêu thương không phân biệt, không hề quay lưng trước nỗi đau trần thế. Chúng ta không đợi một thế giới hoàn hảo mới bắt đầu yêu thương, mà chính trong rối ren bất toàn này, sẽ học cách lắng nghe, thấu hiểu, và hành động bằng trái tim không điều kiện. Nguyện cho ánh sáng Quán Âm soi rọi tâm chúng sinh, thắp lên trong từng hơi thở, từng lời nói, từng hành động của ta. Đó là sự thực hành sống động và thiết thực nhất để tiếp nối hạnh nguyện của Bồ-tát giữa cõi đời, giúp cho người khổ đau tìm được nơi nương tựa. Nguyện cho mỗi người con Phật bước vững chãi trên con đường chuyển hóa, bằng tấm lòng rộng mở và trái tim thấu cảm dù còn đang học hạnh Bồ-tát.
An Chí/Báo Giác Ngộ