Cổng vào đền Keraton trong khuôn viên đền Muarajambi. Ảnh: TTXVN
Quần thể đền cổ Muarajambi, nằm ẩn mình trong những khoảng xanh dày đặc, trải dọc bên bờ con sông Batanghari chảy từ vùng cao nguyên ở phía Tây đảo Sumatra ra đến cửa biển ở phía Đông và đổ ra biển Java. Những nền gạch rêu phong nằm rải rác bên bờ sông Batanghari, con sông dài nhất Sumatra, là di tích lặng lẽ của một nền văn minh rực rỡ từng tồn tại từ nghìn năm trước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại khuôn viên khu đền cổ Muarajambi, ông Agus Widiatmoko, người đứng đầu Cơ quan Bảo tồn Di sản Văn hóa Jambi cho biết, quần thể Đền Muarajambi rộng khoảng 12 km vuông và trải dài hơn 7 km dọc theo con sông Batanghari dài nhất của đảo Sumatra, được xác định có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14 và gắn liền chặt chẽ với lịch sử của Vương quốc Melayu cổ đại.
Sau khi đế chế Srivijaya suy tàn vào thế kỷ XIV, Muarajambi dần chìm vào quên lãng, bị bỏ hoang và rừng rậm bao phủ trong khoảng hơn 500 năm. Những dấu vết của các ngôi đền cổ được một sĩ quan người Anh phát hiện lần đầu tiên vào năm 1824 trong lúc khảo sát địa hình khu vực này.
Phải đến hơn 100 năm sau đó, những bí ẩn và kỳ diệu của một khu vực rộng lớn gần 4.000 ha mới dần được hé lộ khi các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 115 di tích cổ, trong đó có ít nhất 82 đền tháp, chủ yếu được xây dựng bằng gạch nung. Hiện nay có 10 ngôi đền đã được khai quật, phục hồi và mở cửa đón khách tham quan.
Những bảo tháp được khai quật và phục dựng tại quần thể đền Muarajambi.
Theo các nhà khảo cổ, khu di tích Muarajambi rộng gấp 24 lần so với quần thể Angkor Wat ở Campuchia. Những công trình đền cổ như Candi Gumpung, Candi Tinggi, Candi Kedaton, Koto Mahligai hay Astano bao gồm các đền tháp, tu viện và vihara Phật giáo, là những minh chứng sống động cho một trung tâm tôn giáo học thuật lớn từng phát triển mạnh mẽ dưới thời Vương quốc Melayu cổ đại và sau đó là đế chế Srivijaya.
Chuyên gia văn hóa Tarida Pamong, cho biết điểm đặc biệt nổi bật của Muarajambi là vai trò trung tâm trong mạng lưới Phật giáo quốc tế thời trung cổ. Câu chuyện về vị thiền sư lỗi lạc Atisha Dipankara đã vượt biển từ Ấn Độ sang Sumatra để “tầm sư học đạo” tại Muarajambi vào thế kỷ X, được ghi chép trong nhiều văn bản Phật giáo Tây Tạng, là một minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của nơi này.
Theo các chuyên gia, cấu trúc của Muarajambi có nét tương đồng đáng kinh ngạc với Nalanda, trung tâm Phật giáo lớn nổi tiếng ở Ấn Độ. Các đền đài, hệ thống hồ chứa, kênh đào và tổ chức không gian cho thấy đây từng là nơi tập trung của các học giả, tăng sĩ và Phật tử từ khắp châu Á đến tu học.
Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Muarajambi là trung tâm tôn giáo và học thuật của Vương quốc Malayu cổ đại trong giai đoạn từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, khi Phật giáo và Ấn Độ giáo là những tôn giáo chủ yếu. Các công trình kiến trúc tại đây phản ánh sự giao thoa văn hóa và kỹ thuật xây dựng tiên tiến của thời kỳ đó.
Trong suốt khoảng 7 thế kỷ tồn tại, nơi này không chỉ truyền bá về Phật giáo mà còn truyền dạy các lĩnh vực khoa học y tế, triết học và kiến trúc và có mối liên hệ chặt chẽ với Nalanda, trung tâm giáo dục Phật giáo hàng đầu thế giới vào thời đó.
Các đền tháp tại Muarajambi chủ yếu được xây bằng gạch nung, xếp ken khít vào nhau và không sử dụng vữa, một kỹ thuật tương tự như tại các đền Angkor hay Borobudur. Hệ thống kênh đào, ao hồ cổ, cùng với các mảnh ngói men màu xanh lá cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, cho thấy kỹ thuật tạo nên hệ thống đường thủy và giao thương quốc tế đã phát triển mạnh mẽ.
Cấu trúc các ngôi đền đã được phát hiện và phục hồi cho thấy thiết kế không gian có thể tập hợp hàng trăm, thậm chí cả nghìn người cùng một lúc. Mỗi ngôi đền không đứng riêng lẻ mà luôn kết hợp với các công trình khác thành một quần thể. Điển hình như Đền Kedaton là quần thể đền rộng nhất trong khu vực, bao gồm một ngôi đền chính, một tòa nhà phụ, một cặp cấu trúc gạch, được bao quanh bởi hàng rào chính và hàng rào chắn cùng mương nước.
Các ngôi đền dựa trên triết lý Ấn Độ giáo-Phật giáo còn hình thành một tuyến đường giao thông quan trọng cho các nhà sư Ấn Độ giáo-Phật giáo và các Phật tử giữa Trung Quốc (Quảng Đông), Indonesia (Malay - Sriwijaya) và Ấn Độ (Nalanda). Các chuyên gia khảo cổ cho rằng, những ngôi đền được phát hiện nằm rải rác theo nhóm với các thành phần, kích thước và diện tích khác nhau, cùng hệ thống rào chắn bằng gạch, là những bằng chứng về sự sắp xếp, thiết kế chặt chẽ giữa không gian thiêng liêng và thế tục, không gian công cộng và riêng tư.
Những không gian này được tạo ra từ mô hình bố trí đền thờ với đền chính, đền phụ, cổng, hàng rào, hào nước. Cấu trúc đồng tâm xung quanh ngôi đền chính sử dụng lối bố cục đặc trưng giống với cấu trúc của di sản thế giới Nalanda ở Ấn Độ. Đây là bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa khu vực này và trung tâm giáo dục Phật giáo lâu đời nhất trên thế giới Nalanda ở Ấn Độ.
Theo ông Agus, các dấu tích khảo cổ đã phản ánh sự kết hợp giữa hình thức và bố cục của hai nền văn hóa lớn là Vương quốc Gupta ở Ấn Độ và Vương quốc Sriwijaya ở Indonesia. Sự kết hợp được thể hiện thông qua thiết kế và kiến trúc đặc trưng của nền văn hóa Phật giáo đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên.
Các hoa văn được tìm thấy cũng là bằng chứng về vai trò của Khu phức hợp Đền Muarajambi như một phần của sự phát triển giáo lý và giáo dục Phật giáo ở Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.
Không giống một tàn tích đơn thuần, Muarajambi là nơi mà quá khứ và hiện tại hòa quyện. Đó là nơi Phật giáo từng được nghiên cứu, giảng dạy, thực hành và truyền bá khắp Đông Nam Á. Đây cũng là nơi thể hiện rõ sự hội tụ của giáo dục, đức tin, nghệ thuật và kỹ thuật cổ đại trong một không gian tinh thần sâu lắng.
Trong thế giới đang không ngừng đổi thay, giữa nhịp sống gấp gáp của thời đại, Muarajambi đang dần hiện ra như một nhịp thở sâu, trầm tĩnh, cổ xưa mà đầy sức sống. Từng viên gạch đỏ nghìn năm tuổi không chỉ kể câu chuyện về một nền văn minh Phật giáo từng rực rỡ, mà còn nhắc nhớ về sự kết nối giữa con người với tâm linh, giữa học thuật và niềm tin.
Không chỉ là di tích khảo cổ, Muarajambi là một biểu tượng sống động cho trí tuệ, cho sự hội tụ của các nền văn hóa lớn châu Á và cho cả hành trình tìm về cội nguồn của sự bình an. Khi những dấu vết xưa được phục dựng, mỗi tán cây, dòng chữ khắc và đền tháp đang dần trở lại, mang đến những giá trị mới như một sự kết nối từ quá khứ để tìm ra con đường cho tương lai.
NBO