Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có gì đặc biệt?

Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có gì đặc biệt?
3 giờ trướcBài gốc
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Yên Tử) nằm trong vùng địa lý của dãy núi Yên Tử ở khu vực Đông Bắc, là vùng danh sơn linh kiệt trong tâm thức của người Việt. Quần thể gồm hàng trăm di tích và danh thắng hiện thuộc phạm vi của 6 khu di tích và di tích quốc gia đặc biệt nằm trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng (Hải Dương cũ) và Bắc Ninh (Bắc Giang cũ).
Việc khởi động đề cử Yên Tử trở thành Di sản Thế giới đã được bắt đầu từ năm 2013. Các cơ quan và địa phương liên quan đã liên tục phối hợp với ICOMOS (tổ chức tư vấn cho UNESCO về Di sản Thế giới) để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ suốt nhiều năm qua. Tháng 1/2024, hồ sơ chính thức đã được gửi đến Trung tâm Di sản UNESCO.
Mặc dù có hàng trăm di tích trải rộng, tuy nhiên Khu di sản được đề cử tới UNESCO chỉ gồm 12 di tích thành phần theo dạng chuỗi liên hoàn để thể hiện một câu chuyện chung duy nhất. Câu chuyện di sản Yên Tử tập trung vào sự ra đời, lan tỏa và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm - một thiền phái độc đáo của Việt Nam được các vua Trần cùng với nhiều thành viên hoàng tộc và thiền sư, cư sỹ khác khởi xướng.
Khởi nguồn từ dãy núi Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm với các đặc điểm riêng có, kết hợp với truyền thống yêu nước của dân tộc đã trở thành nền tảng tư tưởng của văn hóa và xã hội Đại Việt, góp phần quyết định huy động, đoàn kết toàn quân, toàn dân cùng vương triều trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và bản sắc dân tộc, phát triển một nước Đại Việt hùng cường, góp phần gìn giữ hòa bình, ngăn chặn sự bành trướng và ảnh hưởng của đế chế Mông Cổ ở khu vực lúc bấy giờ.
12 di tích thành phần nằm trên diện tích 628 nghìn ha, vùng đệm hơn 5,8 nghìn ha, hiện được bảo vệ bằng nhiều biện pháp khác nhau. Đó không chỉ là cảnh quan tuyệt mỹ của rừng núi, sông hồ, nét đẹp cổ kính của hệ thống các đền miếu, chùa tháp… mà còn là các di sản phi vật thể lễ hội, nghi thức, tri thức dân gian… được lưu truyền suốt 7 thế kỷ trong cộng đồng người dân.
Mở đầu câu chuyện là 2 di tích liên quan đến quê hương họ Trần - cũng là nơi yên nghỉ của nhiều vị Vua và hoàng tộc triều Trần: Thái Miếu (Quảng Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Phòng). Các di tích thể hiện nền tảng gốc rễ hình thành nên Vương triều Trần, sự kết hợp giao thoa giữa tinh thần hộ quốc an dân với tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm. Hàng năm mỗi dịp xuân thu, Lễ hội đền Kiếp Bạc thu hút hàng vạn người, thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân tới vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (trong ảnh)
3 di tích tiếp theo liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm trên dãy núi Yên Tử là chùa Lân, chùa Hoa Yên, am – chùa Ngọa Vân (Quảng Ninh). Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất rời bỏ ngai vàng để theo Phật, người khởi nguồn cho tư tưởng nhập thế, lấy đạo giúp đời. Các di tích nằm giữa núi rừng Yên Tử phù vân cũng là “chốn tổ Trúc Lâm”, con đường hành hương quen thuộc, sở hữu nhiều Bảo vật quốc gia như Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang, Hộp vàng Ngọa Vân…
3 di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang và thời kỳ phát triển cực thịnh của Phật giáo Trúc Lâm: chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Ninh), chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn (thành phố Hải Phòng). Các di tích thể hiện sự lan tỏa sâu rộng tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm trong xã hội thời bấy giờ. Trong đó, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trong ảnh)
2 di tích liên quan đến thời kỳ chấn hưng và hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm là chùa Bổ Đà (Bắc Ninh), chùa Nhẫm Dương (Hải Phòng). Sự hội nhập của Phật giáo Trúc Lâm suốt những thế kỷ sau đó còn hiện hữu với các di tích có kiến trúc độc đáo, các vườn tháp thuộc loại lớn và lâu đời nhất trong cả nước.
Cuối cùng là 2 di tích liên quan đến vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống Đại Việt và truyền thống sử dụng tài nguyên đất, nước của người Việt: động Kính Chủ (Hải Phòng), bãi cọc Yên Giang (Quảng Ninh). Các di tích đều gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, cũng là chiến thắng vĩ đại thể hiện tinh thần độc lập, “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức”, đóng góp vào nền hòa bình chung.
Trong suốt quá trình đề cử, Việt Nam đã bổ sung làm rõ nhiều yêu cầu của ICOMOS về các khía cạnh chính trị, tôn giáo của câu chuyện di sản, làm nổi bật sự khác biệt của Thiền phái Trúc Lâm so với các tông phái Phật giáo khác trong khu vực; đồng thời khẳng định sẽ đáp ứng khuyến nghị về biện pháp bảo tồn, quản lý giám sát di sản… ngay trong tương lai gần.
Trong kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đang diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 7-16/7, một trong những mục tiêu quan trọng của đoàn Việt Nam là bảo vệ và vận động ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vào danh sách Di sản Thế giới, tiếp tục đóng góp thể hiện sứ mệnh cốt lõi của UNESCO trong việc nuôi dưỡng giá trị chung của nhân loại: giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình, tự chủ, hài hòa với con người và thiên nhiên.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/check-in/quan-the-di-tich-yen-tu-vinh-nghiem-con-son-kiep-bac-co-gi-dac-biet-post1214119.vov