Thi công dự án tuyến đường Đông-Tây đoạn qua huyện Nho Quan. Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những nỗ lực của Ban trong công tác quản lý hiệu quả các dự án công trình đầu tư công ở lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT?
Đ/c Nguyễn Đình Đức: Ban Quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là thực hiện chức năng của chủ đầu tư và trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT và các dự án khác do UBND tỉnh quyết định đầu tư.
Những năm qua, Ban luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ được giao trong đó có việc đẩy nhanh thủ tục đầu tư các dự án, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tập trung cao công tác triển khai thi công.
Năm 2024, Ban được giao chủ đầu tư 6 công trình trong đó có 3 công trình trạm bơm là: Trạm bơm Liễu Tường, Trạm bơm Quy Hậu và Trạm bơm Cống Chanh; 3 công trình kè bao gồm: Dự án xử lý sạt lở bờ tả sông Vạc đoạn qua thị trấn Phát Diệm, xã Kim Chính và xử lý kè hữu sông Đáy đoạn qua xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn); Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn cuối sông Cà Mâu (từ cống chợ Cồn Thoi đến cống Kè Đông), huyện Kim Sơn và Dự án nạo vét sông tiêu 6 xã phục vụ tưới tiêu liên huyện Yên Khánh-Kim Sơn, kết hợp nâng cấp bờ thành đường giao thông phòng chống thiên tai, huyện Yên Khánh.
Ý thức được trọng trách tỉnh giao, ngay sau khi nhận nhiệm vụ chủ đầu tư Ban quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chủ động rà soát tất cả dự án, từ đó xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu về tiến độ thi công và cả giải ngân cho từng công trình trong năm 2024.
Cùng với đó, yêu cầu các nhà thầu tập trung nguồn lực thực hiện các dự án, tránh tình trạng đầu năm “đủng đỉnh”, cuối năm “nước rút” thi công; đồng thời phân công lãnh đạo Ban phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền các địa phương thực hiện nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo mặt bằng sạch để thực hiện các hạng mục công trình.
Các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các gói thầu được Ban chủ động giải quyết, giúp các nhà thầu yên tâm thực hiện các hạng mục, công trình; đồng thời yêu cầu lấy tiến độ, chất lượng, mỹ thuật công trình làm thước đo năng lực thực hiện của nhà thầu. Ban cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát khối lượng, giá thành và xác định khối lượng hoàn thành để thực hiện thanh quyết toán, vừa đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vừa tạo động lực cho các nhà thầu thực hiện tốt dự án. Các giải pháp trên được thực hiện nhất quán, xuyên suốt, giúp Ban đảm bảo yêu cầu về tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư.
Tính đến ngày 30/9, tất cả các công trình đã đạt và vượt tiến độ, đặc biệt là 3 trạm bơm sẽ phấn đấu lắp máy, đưa vào vận hành trước 30/5/2025 để phục vụ công tác phòng chống thiên tai của năm 2025.
PV: Bên cạnh việc quản lý hiệu quả các dự án, Ban Quản lý đã có giải pháp nào để thực hiện tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Đình Đức: Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tài chính xác định thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Một trong những mục tiêu được đề ra trong công tác này là thực hiện tiết kiệm từ lập, phê duyệt chủ trương đầu tư; chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.
Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công được thực hiện hiệu quả Ban đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn của các sở chuyên ngành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương có công trình để thực hiện công tác quản lý dự án các công trình lĩnh vực NN và PTNT được tăng cường, hiệu quả.
Cùng với đó Ban chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng các mô hình quản trị thông minh, chặt chẽ nhằm mục đích chống thất thoát lãng phí trong đầu tư công. Xác định con người là nhân tố quan trọng nhất trong việc quản trị hiệu quả nguồn vốn, Ban đã đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương của lãnh đạo ban, nhất là người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ.
Chi ủy, Ban giám đốc Ban đã luôn nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết thống nhất nội bộ, phát huy dân chủ, đáp ứng các yêu cầu nhiêm vụ được UBND tỉnh giao. Chính vì vậy, chi bộ Ban quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT là một trong 6 chi bộ được Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp chọn thực hiện thí điểm mô hình “chi bộ 4 tốt”.
Ngoài ra, Ban đã xây dựng chương trình công tác năm để hiện thực hóa các mục tiêu của đơn vị đã đề ra trong năm 2024. Đặc biệt, để đảm bảo thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư công, Ban quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến người dân trong vùng ảnh hưởng. Các ý kiến của Nhân dân đều được ghi nhận, chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với địa phương để giải quyết thỏa đáng trước khi triển khai thi công. Do đó, tất cả các dự án do Ban làm chủ đầu tư đều được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện trong toàn bộ quá trình thi công dự án.
P.V: Thưa đồng chí, cùng với việc quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, Ban Quản lý đã có những giải pháp nào để bảo đảm giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch được giao?
Đ/c Nguyễn Đình Đức: Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho Ban quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT là 700 tỷ đồng, tính đến 30/9, tổng nguồn vốn đã giải ngân đạt trên 50%. Mặc dù số tổng số vốn giải ngân từ đầu năm đến nay đạt chưa cao, nhưng đặc thù của việc thi công các công trình dự án lĩnh vực nông nghiệp và PTNT tập trung cao điểm vào cuối năm sau khi kết thúc mùa mưa bão. Do vậy, Ban Quản lý đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung phương tiện, thiết bị hiện đại và nhân lực, tranh thủ thời gian đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng phương án thi công hợp lý.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Do đó Ban đã tăng cường công tác quản lý và theo dõi tiến độ từng dự án; đồng thời yêu cầu nhà thầu thường xuyên cập nhật tiến độ và báo cáo kịp thời những vướng mắc để có giải pháp xử lý nhanh chóng. Cùng với đó, nỗ lực giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng; tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, trong việc thực hiện dự án; đẩy nhanh thủ tục hành chính liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân nhanh chóng nguồn vốn.
Chúng tôi cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện các gói thầu, nhưng yêu cầu phải đúng cam kết về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật công trình; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng và báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét bổ sung nhà thầu thi công nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Ban cũng yêu cầu các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế thực hiện nghiêm túc phần việc của mình. Khối lượng công việc hoàn thành sẽ được chúng tôi tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán ngay, không để nhà thầu chờ đợi, phấn đấu đến 31/12, tổng nguồn vốn giải ngân các dự án sẽ đạt 100% kế hoạch vốn.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)