Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh...
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Trực tiếp quán triệt các nội dung tại Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân. Việc ban hành và triển khai 2 nghị quyết có ý nghĩa chiến lược, nhằm cụ thể hóa các định hướng lớn của Đảng về hoàn thiện thể chế, phát huy nội lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”. Ảnh: nhandan.vn
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, trình bày chuyên đề: “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Ảnh: nhandan.vn
Cụ thể, Nghị quyết số 66-NQ-TW xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, dễ tiếp cận và khả thi; đến năm 2045, nền pháp luật Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên.
Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh vai trò trụ cột, động lực quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60-65% GDP, 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa; đến năm 2045 hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh quốc tế...
Để hiện thực hóa mục tiêu, 2 nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp trọng tâm: Bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tiếp cận bình đẳng các nguồn lực; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 có ý nghĩa chiến lược trong hoàn thiện thể chế và phát triển kinh tế bền vững. Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và các ngành tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các kế hoạch đã xây dựng, với quyết tâm cao và trách nhiệm lớn. Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để các nhiệm vụ trọng tâm được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số…
Chung An - Lăng Khoa