Các đại biểu dự hội nghị.
Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các đồng chí báo cáo viên Trung ương và báo cáo viên cấp tỉnh.
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 45-CT/TW tại hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Theo đó, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, kết quả quan trọng, nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Vai trò, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta tiếp tục được nâng cao; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường… Chỉ thị nêu rõ, đại hội đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung, bao gồm: Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu Ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Trong đó lưu ý, những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới. Đối với những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội), đảng bộ (chi bộ) hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới theo chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, thì đại hội với 2 nội dung (tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025-2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp), không bầu cấp ủy khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên. Về thời gian, đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu không quá 2 ngày, hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày (đối với những nơi tiến hành đại hội 2 nội dung thì thời gian có thể ngắn hơn), hoàn thành trước ngày 31/10/2025. Thời gian họp trù bị được tính vào thời gian tiến hành đại hội, đối với cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên không quá 1/2 ngày.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TU tại hội nghị.
Tiếp đó, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 28/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu chung là xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo là quy luật tất yếu nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân; không ngừng nâng cao vị thế, thương hiệu địa phương, khẳng định bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư; xác lập vai trò một trung tâm chuyên ngành quan trọng của vùng, đất nước trên những lĩnh vực có tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 28/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại hội nghị.
Hội nghị cũng đã nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 28/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2050. Với một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể là: Xây dựng tỉnh Ninh Bình hội đủ tính chất một đô thị di sản - trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế. Công nghiệp văn hóa cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thúc đẩy các cơ chế, chính sách vượt trội để xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí gắn với khởi tạo các ngành kinh tế sáng tạo, có sức cạnh tranh cao, thương hiệu mạnh, tạo nền tảng kinh tế xanh cho xây dựng đô thị di sản, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Định hình đồng bộ 10 lĩnh vực công nghiệp văn hóa có lợi thế cạnh tranh của địa phương dựa trên thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, bao gồm: du lịch văn hóa; công nghiệp biểu diễn - tổ chức sự kiện; công nghiệp thể thao, công nghiệp điện ảnh - công viên phim trường; kinh tế di sản; đồ thủ công mỹ nghệ - hàng lưu niệm du lịch - kinh tế làng nghề; công nghiệp hình ảnh; kinh tế bảo tàng, kinh tế truyền thông - quảng cáo; thiết kế sáng tạo, mỹ thuật công nghiệp và đồ chơi; công nghiệp văn hóa số... Đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa-giải trí đóng góp trên 10% GRDP và đến năm 2035 đóng góp trên 15% GRDP. Thông qua hội nghị giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh được quán triệt sâu sắc, đầy đủ các nội dung quan trọng trong các văn bản của Trung ương, của tỉnh, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện.
Hồng Giang - Đức Lam