Theo đó, số lượng nhà tạm cần xây dựng là 17 nhà, chi phí dự kiến khoảng 25 triệu đồng/nhà. Nhà tạm có kết cấu nền sàn ván gỗ phủ phim, bao che bằng bạt, khung nhà làm bằng gỗ tận dụng của hộ dân hoặc tre, luồng, lồ ô, mái lợp fibro xi măng. Với tổng kinh phí xây dựng dự kiến hơn 400 triệu đồng.
Vết nứt xuất hiện ở quả đồi phía sau bản Tân Lý sau những trận mưa do ảnh hưởng bão số 6.
Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hoàng Lý cho biết, khu nhà tạm sẽ được xây dựng trên diện tích 3.000m2, mượn tạm đất của bản Tăng Ký. Địa điểm này an toàn không lo sạt lở và không quá xa bản Tân Lý, để người dân tiện đi về chăm nom ruộng vườn, nhà cửa.
Trước đó, tại bản Tân Lý, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã phát hiện vết nứt dài hơn 300m, rộng từ 20cm-1m có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ảnh hưởng đến 17 hộ dân với 87 nhân khẩu đang sinh sống ở đây.
Vết nứt dài hơn 300m, có nơi rộng 1m, nhiều đoạn đã bị sụt xuống hơn 2m.
Được biết, hiện 17 hộ dân bản Tân Lý đang tá túc trong trụ sở UBND xã Lâm Thủy gây bất tiện cho người dân cũng như hoạt động của UBND xã này. Huyện Lệ Thủy cũng đã tổ chức đoàn khảo sát để xây dựng bản mới cho người dân bản Tân Lý sinh sống lâu dài.
Theo một thành viên của đoàn khảo sát, đã tìm thấy ít nhất 3 địa điểm, tuy nhiên đoàn khảo sát không tự quyết định mà sẽ họp dân Tân Lý để người dân tự quyết định lựa chọn nơi ở lâu dài cho mình.
Đoàn liên ngành kiểm tra sạt lở và tìm nơi ở mới lâu dài cho người dân bản Tân Lý.
“Trước mắt, khi người dân lựa chọn được vị trí bản mới cho mình, huyện sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cả 17 hộ dân ở bản Tân Lý đều là đồng bào thiểu số Bru Vân Kiều, hầu hết là hộ nghèo, đời sống rất khó khăn. Nếu như có nhà tài trợ nào đủ lực giúp người dân di dời và xây dựng nhà mới thì quá tốt vì ngân sách dự phòng của huyện cũng rất eo hẹp” – thành viên đoàn khảo sát chia sẻ.
Hoàng Nam