Một góc Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) sẽ là Trung tâm Hành chính - Chính trị của tỉnh Quảng Trị mới sau sáp nhập
Trung ương đã thống nhất chủ trương hình thành 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập. Trong đó, việc hợp nhất 2 tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới với tên gọi dự kiến là tỉnh Quảng Trị - đặt trung tâm hành chính tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) hiện nay.
Sân bay Đồng Hới vừa được đầu tư xây dựng thêm nhà ga hành khách T2 với tổng mức đầu tư hơn 1.750 tỉ đồng, để có thể đón 3 triệu lượt khách mỗi năm
Tỉnh Quảng Bình có diện tích hơn 8.065km², dân số khoảng 924.000 người. Với hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, Quảng Bình đang trở thành điểm kết nối thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường không lẫn đường thủy. Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, tỉnh giữ vai trò chiến lược quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây. Nơi đây hội tụ nhiều tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (hai nhánh Đông - Tây), tuyến đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường ven biển đang từng bước hoàn thiện.
Về phía Tây, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo trải rộng trên diện tích gần 54.000ha, được định hướng là trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cho khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước và là cửa khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Lào.
Ngoài ra, sân bay Đồng Hới vừa được đầu tư xây dựng thêm nhà ga hành khách T2 với tổng mức đầu tư hơn 1.750 tỉ đồng, để có thể đón 3 triệu lượt khách mỗi năm sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Quảng Bình với các trung tâm kinh tế lớn như TP HCM, Hà Nội và các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.
Nói đến Quảng Bình là nhắc đến "vương quốc hang động" - nơi thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái độc đáo, với điểm nhấn là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Quảng Bình sở hữu hàng ngàn hang động kỳ vĩ, trong đó nổi bật là động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Én, hệ thống hang Tú Làn… và đặc biệt là Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới được tổ chức Guinness ghi nhận. Đây là sản phẩm du lịch mạo hiểm cao cấp mang tầm quốc tế, thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm.
Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bầu chọn là Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh tại suối khoáng nóng Bang (Lệ Thủy) - nơi duy nhất tại Việt Nam có nguồn khoáng nóng đạt 105 độ C. Mô hình Onsen kiểu Nhật tại đây đang tạo sức hút mới mẻ, kết hợp chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng cao cấp.
Du lịch văn hóa - tâm linh cũng là một thế mạnh với các điểm đến như: Khu mô Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc hơn 700 năm tuổi, hang Tám cô... cùng nhiều lễ hội truyền thống như Cầu Ngư, đập trống Ma Coong, hò khoan Lệ Thủy - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2024, Quảng Bình đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với năm trước, trong đó có hơn 500.000 khách quốc tế. Các sản phẩm du lịch khám phá, thám hiểm rừng nguyên sinh và du lịch cộng đồng đang góp phần đa dạng hóa thị trường, mang lại doanh thu đáng kể cho ngành du lịch địa phương.
Không chỉ có thế mạnh về giao thông và du lịch, Quảng Bình còn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao. Hàng loạt dự án quy mô lớn đã được triển khai như cụm điện gió B&T, tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp tại Phong Nha - Kẻ Bàng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tiềm năng phát triển điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được đánh giá rất lớn nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi - gió nhiều, bức xạ mạnh, mặt bằng rộng và an toàn thiên tai.
Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn Sun Group đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư phát triển, mở ra cơ hội lớn để địa phương này bứt phá về hạ tầng du lịch, dịch vụ và trở thành điểm đến mang tầm quốc gia, quốc tế.
Với những lợi thế nổi bật về địa lý, hạ tầng và tiềm năng phát triển đa ngành, Quảng Bình sẽ là trung tâm hành chính - kinh tế của tỉnh mới sau sáp nhập, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn của tỉnh mới trong tương lai.
Theo dự kiến, tỉnh Quảng Trị mới sau sáp nhập sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số hơn 1,8 triệu người và 78 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, Quảng Bình có 41 cấp xã (5 phường, 36 xã); Quảng Trị có 37 cấp xã (3 phường, 33 xã và 1 đặc khu).
HOÀNG PHÚC