Quảng Bình đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

Quảng Bình đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm
13 giờ trướcBài gốc
Ông Lê Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện chi cục đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trước đó, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình đã tổ chức phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025". Chủ đề của năm nay là "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".
Theo ông Tiến, hiện đoàn liên ngành vừa kiểm tra tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Đoàn tiến hành kiểm tra hồ sơ, thủ tục, trang thiết bị, dụng cụ, con người, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định tại luật an toàn thực phẩm... Đoàn cũng tiến hành test nhanh nhằm kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định đối với một số mẫu thực phẩm.
Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở chấp hành tốt quy định của pháp luật trong kinh doanh thực phẩm.
Theo đó, hầu hết các cơ sở chấp hành tốt quy định của pháp luật trong kinh doanh thực phẩm ăn uống, bếp ăn tập thể, nhà hàng. Mặt hạn chế, một số cơ sở vẫn chưa chủ động trong kiểm soát, kiểm tra hồ sơ lưu trữ; vấn đề bảo quản thực phẩm còn chưa đúng quy định; chưa tham gia cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm... Đoàn tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở khắc phục khắc phục theo đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình, từ năm 2024 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, đơn ngành trên toàn tỉnh đã phối hợp triển khai thanh kiểm tra, hậu kiểm tại 7.741 cơ sở. Kết quả có 877 cơ sở không đạt, chiếm tỷ lệ 11,3%. Lực lượng chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 140 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Giá trị tang vật vi phạm tịch thu và tiêu hủy hơn 1 tỷ đồng.
Kết quả giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm thông qua kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh tại phòng xét nghiệm, kết hợp với test nhanh trên 1.457 mẫu thực phẩm, cho thấy có 1,72% mẫu không đạt yêu cầu.
Từ năm 2024 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, đơn ngành trên toàn tỉnh Quảng Bình đã phối hợp triển khai thanh kiểm tra, hậu kiểm tại 7.741 cơ sở.
Theo ông Tiến, ngoài những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại các điểm tập trung đông người như công viên, khu vui chơi, cổng trường, xung quanh các trường học vẫn còn diễn ra. Việc quản lý các cơ sở kinh doanh lưu động, không có địa điểm kinh doanh cố định hiện vẫn còn nhiều khó khăn, do nhóm đối tượng này không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điều này gây trở ngại cho công tác xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, trong đó có cả Chi cục.
Cùng với đó, một bộ phận người dân do thiếu hiểu biết hoặc vì điều kiện thu nhập mà vẫn chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ vì điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên khó đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm...
Hùng Trần
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/quang-binh-day-manh-cong-tac-kiem-tra-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-169250423074837407.htm