Quảng Bình: Người dân vùng 'rốn lũ' chủ động ứng phó với ngập lụt

Quảng Bình: Người dân vùng 'rốn lũ' chủ động ứng phó với ngập lụt
9 giờ trướcBài gốc
Người dân vùng "rốn lũ" Tân Hóa bình thản trong lũ với các nhà phao tự nổi. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Do ảnh hưởng từ cơn bão số 4, mưa lớn trong những ngày qua khiến hơn 400 hộ dân tại vùng “rốn lũ” xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ngập sâu đến 2m.
Tuy nhiên, với những nhà phao tránh lũ, người dân nơi đây đã chủ động ứng phó với ngập lụt, không có thiệt hại về người và tài sản.
Người dân “rốn lũ” không còn sợ lũ
Xã Tân Hóa được ví như một túi đựng nước khổng lồ do địa hình trũng thấp, bốn bề là núi cao, mọi nguồn nước đổ về đều tập trung tại đây nhưng lối thoát duy nhất chỉ là một hang núi hẹp.
Mưa lớn, nước lũ dâng lên cao nhất đến 2m. Mặc dù vậy, người dân Tân Hóa đã quá quen thuộc và thích ứng với thời tiết khi thường xuyên phải sống chung với lũ. Bởi lẽ, cả xã Tân Hóa hiện nay gần như đã phủ kín nhà phao.
Nhà phao được sử dụng làm homestay trong mùa khô tại Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: TTXVN phát)
Đây là một dạng nhà nổi, có thể nâng lên theo mực nước. Những căn nhà phao này được cố định vào cột định vị cao 5-7m để nhà không bị trôi đi. Để thuận tiện di chuyển trong làng, mỗi gia đình đều có có thuyền, phao để đi lại.
Ông Trương Xuân Trường (thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa) cho biết hai ngày vừa qua, khi nước lũ dâng lên, gia đình ông gồm 3 người đã chuyển lên nhà phao.
Mọi vật dụng, thực phẩm đều được ông Trường chuẩn bị từ trước, đủ để sinh hoạt từ 10-15 ngày. Đối với vật nuôi, khi có dự báo mưa lũ, gia đình ông và người dân đã đưa lên vùng núi cao, tích trữ rau cỏ. Hằng ngày, gia đình sẽ chèo thuyền cho vật nuôi ăn.
Theo người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa, cách đây khoảng 15 năm, người dân nơi đây rất vất vả vì lũ, nước dâng cao phải đi chạy lũ trên núi cao. Hiện nay, với người dân nơi đây, lũ không còn đáng sợ.
Nước lũ lên cao người dân vào nhà phao để tránh trú rất an toàn. Người dân vùng “rốn lũ” đã thích ứng thời tiết để sống chung với thiên tai.
Bà Đinh Thị Thu, xã Tân Hóa cho biết những năm trở lại đây, các mẫu nhà phao còn được bà con Tân Hóa cải tiến, bổ sung các kỹ thuật phù hợp để đảm bảo độ an toàn, trở thành lựa chọn tối ưu cho người dân vùng lũ Tân Hóa.
Nhiều người còn làm nhà phao diện tích rộng, không khác gì nhà ở bình thường với đủ phòng ngủ, phòng khách và bếp. Từ đó người dân có thể sinh hoạt từ những ngày thường đến ngày có lũ.
Thích ứng trở thành "Làng du lịch tốt nhất thế giới"
Vào năm 2023, xã Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới”, trong đó có tiêu chí thích ứng với thời tiết, biến bất lợi thành thuận lợi; tận dụng tiềm năng du lịch ngay cả trong thời điểm lũ lụt để giúp người dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Tân Hóa còn được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, với những dãy núi đá vôi trùng điệp ôm lấy thung lũng bao la cùng những cánh đồng cỏ bất tận. Xẻ ngang giữa thung lũng là con sông Rào Nan hiền hòa, xanh màu ngọc bích bồi đắp phù sa cho những cánh đồng hai bên bờ sông mỗi độ mưa về.
Ngoài ra, Tân Hóa còn nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn xinh đẹp, nơi được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế như: Người Bất tử; Truyền thuyết về Quán Tiên hay “Kong - Đảo Đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Thành công trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, Tân Hóa hiện nay đã được xây dựng trở thành Làng du lịch cộng đồng do người dân tự vận hành, với các mô hình nhà ở cho thuê (homestay), nhà hàng ẩm thực phục vụ các món ăn đặc trưng và các tour du lịch tham quan nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.
Từ một làng quê nghèo, mưa lũ rình rập, người dân chật vật mưu sinh, hiện người dân Tân Hóa đã chủ động tham gia vào hoạt động du lịch. Du khách của các tour khám phá hang động Tú Làn, trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà dân đã mang đến việc làm, nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Hóa cho biết hiện xã có 700 hộ dân, sự khác biệt ở Tân Hóa là dù ngập lụt nhưng nước khá yên bình, không có sóng lớn, người dân có thể sống bình thản trên những căn nhà nổi và di chuyển an toàn bằng những chiếc thuyền nhỏ.
Theo ông Duẫn, với mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu, dù mưa lũ, người dân Tân Hóa vẫn có thể đón khách du lịch đến ở, ăn uống trên các nhà nổi và dần trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng. Khách du lịch đến Tân Hóa có thể trải nghiệm cuộc sống mùa lũ như người dân bản địa, với việc thả lưới, câu cá, chèo thuyền, ngắm cảnh quan mùa lụt và tận hưởng những món ăn đặc trưng.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám Đốc Công ty du lịch mạo hiểm Oxalis Adventure và Oxalis Holiday, một đơn vị đang triển khai các sản phẩm du lịch tại Tân Hóa cho biết, khi ngập lụt, người dân sẽ nấu cơm mời khách trên các nhà phao. Thay vì đạp xe đi ăn tối tại các nhà dân thì du khách sẽ ngồi thuyền đi ăn.
Hiện Tân Hóa có trên 10 căn homestay làm trên nhà nổi và du khách có thể vào ở trong những ngày ngập lụt. Bằng cách này, du khách được trải nghiệm mô hình du lịch thích ứng biến đổi khí hậu rất đặc trưng./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/quang-binh-nguoi-dan-vung-ron-lu-chu-dong-ung-pho-voi-ngap-lut-post978113.vnp