Lực lượng chức năng huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị giúp dân dọn bùn non sau mưa lũ.
Tại tỉnh Quảng Bình, Lệ Thủy và Quảng Ninh là 2 huyện phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ. Nước lũ trên các sông Kiến Giang (Lệ Thủy), sông Long Đại (Quảng Ninh) xuống chậm, vẫn trên mức báo động 3. Vì cửa biển Nhật Lệ bị bồi lắng, thu hẹp nên bình quân trong 1h nước lũ rút được 5cm-10cm.
Ngày 30/10, nước lũ tại 2 huyện này tiếp tục rút nhưng nhiều ngôi nhà vẫn ngập sâu. Mưa lũ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống mưu sinh của người dân. Chính quyền các địa phương đang tập trung triển khai các công tác cứu trợ, không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian bị ngập.
Những chuyến hàng cứu trợ tiếp tục đến với người dân vùng ngập lụt Lệ Thủy.
Bên cạnh đó, với các vùng dân cư nước lũ đang rút gần hết, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân quan sát nước, nước rút đến đâu, vệ sinh nhà cửa, đồ đạc đến đó để tận dụng nguồn nước lũ.
Theo kinh nghiệm của người dân các khu vực bị ngập, khi nước rút, bà con tận dụng nước lũ để đẩy bùn đất ra nhà và ra khỏi sân; không đợi nước rút hết hẳn mới vệ sinh, khi đó bùn đất sẽ đọng lại, rất khó cho việc vệ sinh nhà cửa được sạch sẽ.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình đến hỗ trợ các trường học dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ.
Tại tỉnh Quảng Trị, từ ngày 29/10, cường độ mưa ở hầu hết các địa phương tại Quảng Trị bắt đầu giảm dần. Nước trên các con sông, đường giao thông và khu dân bị ngập lụt bắt đầu rút, để lộ ra những vạt bùn non khổng lồ. lực lượng chức năng cùng với người dân tập trụng dọn dẹp môi trường, ổn định cuộc sống trở lại.
Các lực lượng tỉnh Quảng Trị cùng người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường sau mưa lũ
Mưa lũ những ngày qua đã khiến cho gần 100 điểm trường tại tỉnh Quảng Trị bị ngập từ 30cm đến gần 1m. Hàng chục ngàn học sinh phải nghỉ học chờ lũ rút. Để có thể đưa 100% học sinh trở lại trường trong những ngày tới, hiện các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang huy động mọi nguồn lực để dọn dẹp vệ sinh, đưa đồ dùng học tập từ trên cao xuống lớp…
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chủ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tính đến 11h ngày 30/10, bão số 6 và mưa lũ hoàn lưu sau bão đã làm 2 người chết, 1 người mất tích tại Quảng Bình.
318 nhà hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 5, Thừa Thiên Huế 235, Quảng Nam 18, Đà Nẵng 60). 805 ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 1.253 con gia súc, 77.462 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 1.485ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
145 vị trí đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng (Quảng Bình 50, Quảng Trị 54, Thừa Thiên Huế 36, Quảng Nam 5). Sự cố đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Sa Lung -Tiên An đã thông tuyến. 20,2km kè, kênh mương bị hư hỏng (Quảng Bình: 12,5km, Quảng Trị 7,7km).
Nguyễn Thuấn - Thiên Anh