Quảng Bình: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2025

Quảng Bình: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2025
9 giờ trướcBài gốc
Mục tiêu chung của kế hoạch là tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt được trong thời gian qua để từng bước hoàn thành các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/03/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cải thiện vị trí xếp hạng mức độ chuyển đổi số của tỉnh.
Kế hoạch chuyển đổi số được ban hành nhằm tập trung xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Bình tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội.
Phấn đấu 95% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Bình phát triển chính quyền số, phấn đấu tối thiểu 95% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến đạt 70% trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính. 70% tỷ lệ thanh toán trực tuyến so với hồ sơ thủ tục hành chính có phí, lệ phí. 100% tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua định danh điện tử VNeID. 100% tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử. 100% tỷ lệ thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 90% tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.
Năm 2025 tỉnh Quảng Bình phấn đấu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tổng thể, toàn diện.
Đối với phát triển kinh tế số, phấn đấu 90% tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại. Tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt tối thiểu 15%. 60% tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. 100% trung tâm thương mại; 80% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để không thất thu thuế, ngân sách.
Đối với phát triển xã hội số, phấn đấu trên 50% tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử. Tối thiểu 90% công dân dưới 14 tuổi, đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ căn cước. Trên 80% đối tượng được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đăng ký chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. 100% thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ internet cáp quang băng rộng. 70% tỷ lệ cơ sở giáo dục triển khai nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa. 100% tỷ lệ triển khai học bạ số đối với giáo dục phổ thông. 100% tỷ lệ các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID.
Tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số; Thể chế số, chính sách số; Hạ tầng số; Nhân lực số; Phát triển dữ liệu số; An toàn thông tin mạng gồm: Bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ, trang thiết bị, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin; Chính quyền số; Kinh tế số, xã hội số; Nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông và các giải pháp khác đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Việt Hoàng
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/quang-binh--thuc-hien-ke-hoach-chuyen-doi-so-nam-2025-129811.htm