Quảng Bình: Trên 28.300 hộ dân bị ngập sâu trong nước

Quảng Bình: Trên 28.300 hộ dân bị ngập sâu trong nước
3 giờ trướcBài gốc
Lực lượng Công an xã An Thủy, huyện Lệ Thủy kiểm tra, nắm tình hình tại các khu dân cư bị ngập lụt. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Tối 28.10, do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có thêm một người mất tích do nước lũ cuốn trôi.
Trước đó, tại xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy) đã có một trường hợp tử vong do làm nhiệm vụ cứu hộ người dân bị ngập lụt.
Theo đó, vào lúc 12 giờ ngày 28.10, ông P. V.C (64 tuổi, thôn Trường An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) đang di chuyển tài sản để tránh lũ thì bất ngờ bị lật thuyền. Thời điểm đó, gió to, nước dâng cao nên người dân khó tiếp cận để ứng cứu.
Hiện thi thể ông P.V.C vẫn chưa được tìm thấy.
Nước lũ dâng cao từ 2 - 4m gây ngập nhà dân tại huyện Lệ Thủy. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Tại tỉnh Quảng Bình, đến 17 giờ ngày 28.10, toàn tỉnh có trên 28.300 hộ dân bị ngập sâu trong nước từ 1-4m. Các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới cũng đã di dời 1.205 hộ với 3.522 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 14 điểm ngập tại các tuyến quốc lộ; 73 điểm ngập tại các đường Tỉnh lộ, trong đó huyện Bố Trạch là địa phương nhiều nhất với 37 điểm.
Ngoài ra, có 13 điểm sạt lở tại các huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy, Đồng Hới và một số tuyến quốc lộ.
Về nông nghiệp có 320 diện tích hoa và rau màu bị thiệt hại; khoảng 4 ngàn con gia cầm bị chết; hơn 370ha diện tích nuôi cá-lúa, nuôi hồ mặt nước lớn bị ảnh hưởng do mưa lũ; đường giao thông sạt lở hơn 3.000m3 đất và 1,5km kè biển.
Tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị địa phương huy động lực lượng "4 tại chỗ" kịp thời sơ tán, ứng cứu người dân tại các vùng bị ngập lụt, chia cắt nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.
Tá Chuyên
Quảng Trị: Nguy cơ lũ lên trở lại, huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại nặng nhất
Ngày 28.10, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cảnh báo từ chiều tối nay đến chiều tối 30.10 trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 300mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm trong 3 giờ.
Trong những giờ qua, khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 80-200mm, có nơi cao hơn như ở các xã của huyện miền núi Hướng Hóa: Hướng Việt 237mm, Hướng Sơn 252mm, Hướng Lập 274mm.
Mưa lớn khiến mực nước ở thượng lưu các sông đang lên trở lại, hiện ở mức báo động 1 đến trên báo động 1. Mực nước trên các sông ở hạ lưu đang xuống chậm, hiện ở mức trên báo động 1.
Trước đó vào sáng cùng ngày, mực nước trên các sông đều xuống do mưa giảm.
Đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 6 đã gây nhiều thiệt hại ở tỉnh Quảng Trị; trong đó huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại nặng nhất.
Cụ thể địa phương này có 1 người bị thương, trên 1.250 nhà ở của người dân bị ngập từ 0,5-1m; khoảng 3.740m kênh mương bị sạt lở, cuốn trôi và bồi lấp; 18.000 khách hàng bị mất điện ngày 27.10, nay đã khôi phục hoạt động bình thường; 164ha hoa màu, trên 593 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt gây thiệt hại; trên 12.900 gia cầm và gần 530 gia súc bị chết; nhiều diện tích cao su, tràm bị gãy đổ.
Nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị ngập lụt sâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Huyện Vĩnh Linh đã phải di dời 289 hộ với 790 người của các xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Hà, Vĩnh Long, thị trấn Hồ Xá đến nơi an toàn.
Học sinh của 52 trường học trên địa bàn huyện nghỉ học từ ngày 28.10. Tuyến đường đến xã miền núi Vĩnh Ô đã bị chia cắt khi xảy ra sạt lở 40m khiến các phương tiện không lưu thông được.
Huyện Vĩnh Linh đã yêu cầu các địa phương, đề phòng sáng ngày 29.10 lũ có khả năng lên lại do mưa lớn trên địa bàn; duy trì sẵn sàng các lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra rà soát các khu vực thấp trũng, ven sông suối, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Nguyên Lý
Thừa Thiên-Huế: Bờ biển sạt lở nặng sau bão số 6
Do ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), vùng biển Thừa Thiên-Huế có gió giật mạnh nhất cấp 8-9, triều cường dâng cao gây sạt lở nhiều đoạn bờ biển.
Đặc biệt, nước biển tràn vào bờ ở bãi biển Thuận An (thành phố Huế) và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), để lại hậu quả nặng nề cho người dân ven biển.
Chưa có kè chống sạt lở, đoạn bờ biển Thuận An-Phú Thuận luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền qua nhiều đợt thiên tai.
Tuyến đường nội bộ ven biển ở bãi tắm Phú Thuận bị sóng biển đánh hư hỏng. Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Bão số 6 càng khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Trước khi bão số 6 đổ bộ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động lực lượng vũ trang gia cố bờ kè, sử dụng 4.150m2 vải lọc, 700m3 đá hộc, 5.000 bao tải và 200 cừ tràm xử lý khẩn cấp chống sạt lở đoạn qua bờ biển Thuận An-Phú Thuận.
Đến nay, phần gia cố này gần như đã bị phá hủy hoàn toàn do bão. Lớp nền vỉa hè, bêtông bị sóng biển đánh sạt lở nghiêm trọng nằm ngổn ngang. Triều cường dâng cao mang lượng cát lớn tràn vào nhiều hàng quán dọc bờ biển.
Riêng đoạn bờ biển thuộc xã Phú Thuận, đã bị sạt lở thêm khoảng 200m so với thời điểm trước bão. Một tuyến đường nội bộ của xã bị hư hỏng nặng, 10 hộ dân kinh doanh khu vực bãi tắm bị ảnh hưởng.
Là một hộ dân kinh doanh 30 năm tại bãi biển Thuận An, bà Huỳnh Thị Thứ bàng hoàng cho hay bà không tưởng tượng được khung cảnh tan hoang sau khi cơn bão đi qua. Trước mắt, cả gia đình bà đang di chuyển cây cối bị gãy đổ và lượng lớn bêtông, gạch, đá hộc bị sóng biển đánh ra khỏi hàng quán để tiếp tục kinh doanh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Thuận Nguyễn Quang Dân cho biết tình hình sạt lở năm nay diễn biến hết sức phức tạp với khoảng 300m bờ biển bị ảnh hưởng.
Một số hộ dân khu vực bãi tắm bị cát bồi lấp, nhà cả bị tốc mái, cây cối đổ ngã. Chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc khắc phục thiệt hại sau bão do kinh phí lớn, vượt quá khả năng của xã.
Địa phương đang triển khai cắt tỉa cây, hỗ trợ bà con di dời, dọn dẹp cát, đá trong nhà, cơ sở kinh doanh nhằm sớm ổn định công việc sau bão.
Ngoài bờ biển Thuận An-Phú Thuận, nhiều đoạn bờ biển của 2 huyện Phú Lộc, Phong Điền cũng bị sạt lở.
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, bờ biển Giang Hải-Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tại vị trí đoạn kè mềm bằng ống cát, nước biển dâng cao, tràn qua nhiều vị trí vào sâu trong khu vực nuôi trồng và sản xuất.
Bờ biển Giang Hải-Vinh Mỹ tiếp tục bị xâm thực, xói lở dài 500m; đường Trịnh Tố Tâm, khu vực Mũi Chùa (huyện Phú Lộc) sạt lở khoảng 100m.
Bờ biển tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền đã bị xâm thực với chiều dài khoảng 1,3km với chiều sâu 8m.
Mai Trang
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/quang-binh-tren-28-300-ho-dan-bi-ngap-sau-trong-nuoc-45857.html