Huyện Minh Hóa nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Quảng Bình, giáp với nước bạn Lào, khá xa xôi, nhưng đường xá giờ đã dễ đi lắm rồi. Đường chưa rộng rãi thênh thang, nhưng đã trải nhựa phẳng phiu, nhộn nhịp các loại xe chạy, nên cảm giác trống vắng vốn có mà người ta hay gặp ở miền rừng đã vơi đi rất nhiều.
Lên Minh Hóa lần này làm tôi nhớ đến con đường mà khoảng gần 20 năm trước từng đi qua. Ngày ấy, cả vùng đất rộng khoảng 1.400km2 chỉ có duy nhất 20 cây số đường rải đá gập ghềnh, còn lại là đường đất ngập bùn.
Ngược dòng lịch sử, không chỉ riêng những con đường “lộ hành lang”, mà toàn bộ 50.000 người dân Kinh, Bana, Vân Kiều, Chứt… đều đã phải sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu thốn mọi bề. Cuộc sống đói kém, cộng với diện tích ruộng đất hạn hẹp, đã dẫn đến nạn phá rừng làm nương rẫy để mưu sinh.
Khẩn trương giải ngân tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Quảng Bình.
Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp, các ngành của địa phương đã trăn trở tìm hướng mở kế sinh nhai, nhằm đổi đời cho người dân Minh Hóa. Các chương trình, dự án như 134, 135, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt với nguồn vốn tín dụng chính sách... đã lần lượt chảy về vùng đất này, làm cho đất Minh Hóa, người Minh Hóa có cơ hội để vươn lên.
Chính sách của Đảng, Nhà nước về cùng các nguồn lực, trong đó đáng kể đến dòng vốn ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH chuyển tải đến làm điểm tựa cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội được kiện toàn lại. Toàn dân, toàn vùng phấn khởi xuống đồng ruộng, lên đồi, rừng tạo nguồn thu cho mình.
Bản Dộ - Tà Vờng, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa; là nơi sinh sống chủ yếu là người Bru - Vân Kiều, người Khua và người Mày. Trong những năm trước, cuộc sống của người dân chủ yếu là dựa vào sự trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều bà con dân tộc đã thay đổi về nhận thức, mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH huyện, để phát triển chăn nuôi, trồng cây keo lai, cây tràm.
Khẩn trương giải ngân tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH tỉnh Quảng Bình.
Xác định vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH là nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp và ổn định, thời gian cho vay dài, từ đó Ban Chỉ đạo giảm nghèo, chính quyền địa phương, cấp ủy Đảng xã Trọng Hóa đã chủ động chỉ đạo thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, giao cho tổ chức Hội Nông dân quản lý, để làm cầu nối, chuyển tải nguồn vốn đến các hộ đồng bào dân tộc có phương án vay vốn và thực sự có nhu cầu vay vốn, để tạo cần câu cho bà con vươn lên bằng nội lực của mình.
Cán bộ tín dụng chính sách các huyên ở Quảng Bình thường xuyên bám sát cơ sở, tận tình hướng dẫn hộ nghèo vay vốn , sử dụng vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn phân bổ về, Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với trưởng bản sẽ tổ chức họp bình xét công khai, dân chủ, có sự xem xét hộ trước, hộ sau, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn thực sự của bà con.
Đến nay, toàn bản có 86 hộ dân, thì đã có 40 hộ bà con vay vốn NHCSXH, chiếm 46,5% số hộ, số vốn vay là 1,4 tỷ đồng. Điều rất đặc biệt là đa số bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, có ý thức trong việc sử dụng nguồn vốn vay, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước về trả nợ, trả lãi, không có trường hợp để nợ vay quá hạn.
Hộ ông Hồ Khiên vay vốn hai chương trình tín dụng, với số tiền 150 triệu đồng, để chăn nuôi bò và trồng cây keo lai. Riêng tiền bán bò đã đem lại cho gia đình từ 25-30 triệu đồng thu nhập /năm.
Hay như hộ ông Hồ Khâm, vay 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo, làm ăn có hiệu quả, nay đã có của ăn, của để, ổn định kinh tế hơn rất nhiều so với trước đây.
Chia tay vùng cao Minh Hóa, chúng tôi xuôi ra miền biển Quảng Bình, được biết nơi đây hiện có 4 xã đặc biệt khó khăn nằm trong vùng bãi ngang, ven biển là Phù Hóa, Liên Trạch, Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy; đã và đang đổi thay nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có nhiều chương trình tín dụng chính sách đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tiêu biểu ở xã Phú Hóa, nhờ hàng chục tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,74%, hộ cận nghèo giảm còn 4,42%. Nguồn vốn của NHCSXH huyện Quảng Trạch còn làm “bệ đỡ” hỗ trợ bà con đa dạng hóa sinh kế, triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, nuôi gà Lai ri, có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Còn tại xã đặc biệt khó khăn Liên Trạch, huyện Bố Trạch, nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, để giảm nghèo đa chiều, bền vững, xã tập trung vào việc trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng. Đây là sinh kế vững chắc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.
Đặc biệt tại xã này hiện có khoảng 400 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập cao cho mỗi gia đình. Mỗi năm xã có 30-40 lao động tham gia sử dụng vốn vay tín dụng chính sách đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Đây là kết quả của việc đầu tư chiều sâu của NHCSXH huyện Bố Trạch, tạo động lực cho người dân nghèo ở xã đặc biệt khó khăn ven biển vươn lên cải thiện cuộc sống, làm giàu chính đáng.
Nhờ dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH tổ chức thực hiện, đông đảo người dân nghèo từ miền núi cao, ra vùng bãi ngang ven biển ở dải đất hẹp Quảng Bình có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hội nghị biểu dương người lao động giỏi và sáng tạo của NHCSXH Quang Bình.
Vốn vay của NHCSXH được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay và được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Cụ thể, từ 31/12/2019 đến tháng 3/2025, vốn vay đã giúp hơn 9.237 lượt hộ nghèo, 12.975 lượt hộ cận nghèo, 18.659 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; thu hút và tạo việc làm cho trên 37.000 lao động; 2.900 lượt học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; trên 72 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; xây dựng hơn 141.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng hơn 2.400 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; giúp 263 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng từ đó giúp cho hơn 13.600 hộ vay vốn thoát nghèo, thoát cận nghèo. Nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,98% (năm 2019) xuống 3,13% (năm 2024).
Ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Kết quả này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó NHCSXH đã góp phần quan trọng, rất hiệu quả.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, ông Trần Văn Tài (ảnh), chia sẻ: Với định hướng hoạt động từ ngày thành lập (2003) đến nay là tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước về một đầu mối, đơn vị luôn bám sát chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng với nhiều hình thức.
Trải qua 22 năm hoạt động, từ chỗ nhận bàn giao nguồn vốn ít ỏi (200 tỷ đồng), hiện tại, tổng nguồn vốn của NHCSXH Quảng Bình đã có xấp xỉ 5.769 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với ngày đầu thành lập, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 294,6 tỷ đồng, tăng 238,9 tỷ đồng so với năm 2019.
Tính riêng 5 năm qua, đơn vị đã thực hiện 21 chương trình tín dụng đạt doanh số cho vay 8.419 tỷ đồng với 162 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Song hành với công tác huy động nguồn vốn, NHCSXH Quảng Bình đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đó là việc vay vốn chính sách đã gắn kết chặt chẽ 4 nhà: “Ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), chung tay giúp người dân vay vốn. Hiện tại các cấp hội đoàn thể đang tham gia quản lý 5.691 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng Tổ TK&VV, được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSHX trong thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần không nhỏ vào chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Bình cũng đã đẩy mạnh phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cụ thể đã tập trung các nguồn lực về con người và nguồn vốn để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, phấn đấu đáp ứng 100% vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Cùng với đó, hưởng ứng phong trào thi đua “chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình phát động, chi nhánh đã hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 9 hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 8 huyện, thị, thành phố với số tiền hỗ trợ là 95 triệu đồng
Nhằm duy trì, phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Quảng Bình chủ động bước vào giai đoạn mới với việc tập trung huy động nguồn lực, nguồn vốn, tổ chức truyền tải kịp thời an toàn nguồn vốn đến đúng các địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng; tăng cường củng cố hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân…góp phần thực hiện thắng lợi chỉ thị số 39/CT-TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư TW Đảng khóa 13 về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, khẳng định giữ vững vai trò là điểm sáng, là trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Tuấn Ngọc - Đông Dư