Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều độc giả, phụ huynh băn khoăn về một số thông tin liên quan đến việc công khai của Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc (VAS). Theo đó, thời điểm công khai thông tin vào tháng 6/2024, cơ sở giáo dục thực hiện theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc quảng cáo tên lại là "Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc"
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc được thành lập trên cơ sở sáp nhập của Trường tiểu học Dân lập Quốc tế Việt Úc và Trường trung học phổ thông Dân lập Việt Úc kể từ năm học 2008 – 2009. Việc này thể hiện tại Quyết định số 3454/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành vào ngày 12/8/2008.
Trải qua nhiều sự thay đổi về cơ sở khác nhau, đến nay, Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc có 6 cơ sở nằm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: 1 cơ sở tại Quận 10, 2 cơ sở tại Quận 7, Thủ Đức, Gò Vấp và Quận Phú Nhuận mỗi nơi có 1 cơ sở.
Theo thông tin từ website và trên một số phương tiện truyền thông, vào tháng 4/2022, VAS gia nhập Tập đoàn Giáo dục Quốc tế XCL.
Các thành viên Hội đồng trường Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc. Ảnh chụp màn hình.
Theo Quyết định số 582/QĐ-SGDĐT ngày 10/4/2024 về việc kiện toàn hội đồng trường Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc nhiệm kỳ 2023-2028, hội đồng trường gồm các thành viên: ông Gilles Claude Bernard Mahe - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần giáo dục Quốc tế Việt Úc; Dominic John Picone - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giáo dục Quốc tế Việt Úc; ông Phạm Tấn Nghĩa - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giáo dục Quốc tế Việt Úc; ông Vương Hữu Nghị - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giáo dục Quốc tế Việt Úc; bà Nguyễn Thị Thanh Xuân là Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc thành viên trong trường.
Hiện ông Gilles Claude Bernard Mahe (quốc tịch Pháp) là Chủ tịch Hội đồng trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân là Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc.
Căn cứ vào website công khai các đơn vị giáo dục có yếu tố nước ngoài của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc ở mục danh sách trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp trung học phổ thông là cao nhất), thực hiện giảng dạy thí điểm chương trình nước ngoài; trường thực hiện giảng dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam được phép giảng dạy bổ sung chương trình nước ngoài.
Giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục là cấp cho Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc (ảnh chụp màn hình)
Theo các loại giấy tờ mà nhà trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, trường có tên gọi đầy đủ là Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc.
Tại quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 – 2025, được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 2366/QĐ-SGDĐT, Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc được giao tuyển 24 lớp 10 chương trình tích hợp với 475 học sinh.
Trên website, nhà trường quảng cáo là "Hệ thống Trường Quốc tế chuẩn cambridge lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh", "Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc". Ảnh chụp màn hình website.
Tuy nhiên, trên website, fanpage, trường tự xưng là Trường Quốc tế Việt Úc. Chương trình đào tạo của nhà trường được giới thiệu là “Chương trình tích hợp quốc tế toàn phần Cambridge – Cambridge Academic Programme International – CAP International).
Từ tên chính xác là Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc, trường đã quảng cáo thành "Hệ thống trường quốc tế chuẩn Cambridge lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh" và "Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc".
Về học phí tại VAS, website của hệ thống trường này thông tin có 3 loại hình học phí khác nhau, bao gồm: Lộ trình tiếng Anh Cambridge chuyên sâu - MOET (CEP), lộ trình học thuật Cambridge - MOET (CAP) và lộ trình tích hợp quốc tế toàn phần Cambridge (CAPI).
Lộ trình tiếng Anh Cambridge chuyên sâu – Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET): Ngoại trừ cơ sở SALA (Quận 7) thì học phí lớp 1 đến lớp 5 sẽ dao động từ khoảng 175,5 triệu đồng đến 230,5 triệu đồng/năm học. Lớp 6 đến lớp 12 sẽ dao động từ khoảng 239,5 triệu đồng đến hơn 371 triệu đồng/năm học.
Lộ trình học thuật Cambridge – MOET (CAP) có học phí sẽ cao hơn so với chương trình nêu trên.
Đặc biệt, lộ trình tích hợp quốc tế toàn phần Cambridge (CAPI) có mức học phí cao nhất ở lớp 12 tại cơ sở SALA là 568.840.000 đồng/năm học.
Đây là bảng giá học phí, chưa bao gồm các loại phí và lệ phí khác như phí đăng ký là 3 triệu đồng, tiền ăn của bậc trung học cả năm học là 37.168.000 đồng (bậc tiểu học và mầm non thấp hơn khoảng 7 triệu đồng), phí giữ chỗ không được hoàn lại trong mọi trường hợp là 20 triệu đồng; ngoài ra còn có chi phí đồng phục các loại và xe đưa rước (nếu phụ huynh có nhu cầu).
Cùng với đó, theo khảo sát của phóng viên, các thông tin phải công khai vào tháng 6/2024, cơ sở giáo dục thực hiện theo Thông tư 36. Theo đó, tại Điều 5: Công khai với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục chuyên biệt quy định: "Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; công khai đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên....Các nội dung công khai có biểu mẫu kèm theo.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên vào ngày 1/12, nhiều nội dung phải công khai không được tìm thấy trên website của trường.
Từ 19/07/2024, cơ sở giáo dục phải thực hiện công khai theo quy định của Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT. Tại các Điều số 8,9 yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông cần công khai về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên; thông tin về cơ sở vật chất và tài liệu học tập sử dụng chung; thông tin về kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục; Đối với các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, hoặc chương trình giáo dục tích hợp cần phải thực hiện công khai thêm nội dung: Tên chương trình, quốc gia cung cấp chương trình, thông tin chi tiết về đối tác thực hiện liên kết giáo dục để dạy chương trình giáo dục tích hợp, tên của cơ quan hay tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hay cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục. Đồng thời, các cơ sở giáo dục phổ thông còn cần phải công khai kế hoạch và kết quả giáo dục phổ thông như thông tin về kế hoạch giáo dục năm học, kết quả giáo dục thực tế của năm học trước. Riêng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, hoặc chương trình giáo dục tích hợp còn cần thực hiện công khai thêm nội dung số lượng học sinh đang theo học (chia theo số lượng học sinh là người Việt Nam, số lượng học sinh là người nước ngoài).
Nhiều nội dung phải công khai theo quy định không được tìm thấy trên website của trường. (ảnh chụp màn hình vào ngày 1/12)
Tại thời điểm ngày 1/12/2024, khi phóng viên truy cập vào website này, thì VAS vẫn còn thiếu: Công khai về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của năm học 2023 – 2024, công khai về cơ sở vật chất cũng chỉ có đến năm học trước; công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, phóng viên cũng không tìm thấy.
Đại diện VAS nói gì về việc công khai thiếu thông tin, sử dụng tên gọi không đúng?
Ngày 2/12, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi câu hỏi đến VAS về các thông tin liên quan được nêu ở trên.
Đến ngày 4/12, đại diện truyền thông của VAS đã có thư phản hồi đến phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, và cho biết những nội dung này đã được nhà trường bổ sung trên website (mục Kiểm định chất lượng giáo dục, phần thông tin về VAS).
Đối với câu hỏi có liên quan đến vấn đề học phí của trường, phía VAS đã từ chối trả lời.
Về lý do tại sao lại có tên gọi khác nhau giữa các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp với việc thông tin trên website, fanpage, ngày 23/12, nhân viên truyền thông của VAS đã lý giải với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Cả 2 tên mà hiện trường đang sử dụng đều đúng. Một tên căn cứ vào quyết định thành lập của trường, tên còn lại (Trường Quốc tế Việt Úc) là đã được đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ, tên thương hiệu của trường. Một tên nhãn hiệu và một tên theo quyết định thành lập của trường, tên còn lại là nhãn hiệu. Tên nhãn hiệu thường sử dụng vào các mục đích truyền thông, quảng cáo, marketing. Tóm lại là trường dùng hai tên này đều hợp lệ” – nữ nhân viên này nói.
Về những vấn đề trên, ngày 25/12, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tên chính thức của VAS thể hiện rất rõ trên giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động là Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Úc, thì có nghĩa là nhà trường phải sử dụng tên đầy đủ này khi quảng cáo, còn tên mà VAS đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ chỉ là một sản phẩm của nhà trường, không liên quan gì cả.
Còn đối với việc công khai các thông tin cần thiết theo quy định, ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh, thông tư đã có các hướng dẫn rất kỹ, nên các trường buộc phải làm theo.
Việt Dũng