Quang Hào: Người nghệ sĩ kể chuyện bằng sân khấu

Quang Hào: Người nghệ sĩ kể chuyện bằng sân khấu
7 giờ trướcBài gốc
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương sâu sát từng bước chuyển của các nghệ sĩ trên sâu khấu của DIFF 2025. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
được nhiều người biết là thành phố năng động và hội nhập. Đặc biệt, khi sân khấu nghệ thuật của Lễ hội Pháo hoa Quốc tế DIFF 2025 mở màn, người ta còn thấy thêm một Đà Nẵng có chiều sâu, có bản sắc, có những người làm nghề lặng lẽ đứng sau ánh đèn.
Trong số đó, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, chính là một trong những người đã giúp Đà Nẵng bước ra thế giới không chỉ bằng sự kiện, mà bằng nghệ thuật mang đậm tinh thần đô thị.
Sân khấu - không gian để cộng hưởng cảm xúc
Với nhiều khán giả từng dự các đêm diễn tại DIFF năm nay, cảm nhận chung không chỉ là “mãn nhãn”, mà còn là “chạm tới cảm xúc”. Đó là kết quả của một lối tư duy đạo diễn không đặt trọng tâm vào phô diễn, mà vào mạch cảm xúc xuyên suốt.
4 chương trình mà Quang Hào làm Tổng đạo diễn với chủ đề riêng biệt: “Tinh hoa văn hóa”, “Nghệ thuật sáng tạo”, “Hành trình kết nối” và “Phát triển bền vững” được anh và cộng sự dàn dựng như những lát cắt của thành phố.
Không có chương trình nào đơn thuần, riêng biệt, mà tất cả đều góp phần vào một tổng thể có chủ đích: định hình hình ảnh một Đà Nẵng vừa sâu sắc trong di sản, vừa tươi mới trong sáng tạo và luôn rộng mở với thế giới.
Sân khấu chính tại mỗi đêm pháo hoa bên sông Hàn luôn lung linh hòa hợp giữa ánh sáng, âm nhạc, các điệu nhảy và sắc pháo, tạo ấn tượng khó quên đối với người xem. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Với vai trò tổng đạo diễn, là người nắm mạch nguồn của từng chương trình, từ khâu xây dựng chủ đề, lựa chọn tiết mục, biên đạo sân khấu cho đến điều tiết nhịp cảm xúc.
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào chia sẻ: “Tôi không nghĩ sân khấu là nơi để trình diễn đơn thuần. Sân khấu, đặc biệt là sân khấu ngoài trời trong khuôn khổ một lễ hội lớn như DIFF, phải là không gian để cộng hưởng cảm xúc. Mỗi tiết mục là một mắt xích, nếu không được sắp xếp đúng chỗ sẽ làm đứt gãy mạch liên tưởng trong lòng người xem”.
Chính vì thế, các chương trình tại DIFF 2025 dù có sự góp mặt của nhiều loại hình khác nhau, từ nghệ thuật truyền thống, dân gian đến pop, nhạc điện tử, múa đương đại vẫn không bị rời rạc. Chúng được kết nối bằng tinh thần của thành phố: bản sắc-đổi mới-hội nhập-bền vững.
Theo chia sẻ của Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào, không ít chi tiết nhỏ được chính anh yêu cầu chỉnh sửa kỹ lưỡng trong những ngày cận lễ hội.
Đó là một đoạn chuyển cảnh phải ngắn lại vài giây, một bản phối cần đẩy tiết tấu lên đúng cao trào, hay chỉ một thay đổi nhỏ trong dàn đèn cũng được thử nghiệm nhiều lần để bảo đảm khán giả “đón đúng cảm xúc tại đúng thời điểm”.
Những việc đó không nằm trong kịch bản, mà chỉ có thể xuất hiện từ sự nhạy cảm của người đã trải qua nhiều năm sống cùng sân khấu.
Với Quang Hào, nghệ thuật không phải là cuộc thi của hiệu ứng mà là một tiến trình đối thoại.
Phát triển để làm gì nếu không giữ lại những giá trị trường tồn? Câu hỏi ấy không chỉ vang lên trong đêm cuối cùng của DIFF, mà cũng là câu hỏi đạo diễn tự đặt cho mình.
"Với tôi, sự phát triển không chỉ nằm ở việc đổi mới hình thức mà còn ở cách một chương trình có thể kết nối với chiều sâu văn hóa”, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào bộc bạch.
Với Quang Hào, nghệ thuật không phải là cuộc thi của hiệu ứng mà là một tiến trình đối thoại. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Kể chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại
Từ lâu, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào không còn là cái tên xa lạ với giới nghệ sĩ tại Đà Nẵng. Anh trưởng thành từ sân khấu, đi qua vai trò nghệ sĩ biểu diễn, rồi trở thành người quản lý, nhưng chất nghệ sĩ trong anh không mất đi, mà càng lắng lại thành tinh thần nghề nghiệp.
Không chạy theo xu hướng trình diễn thị trường nhưng cũng không rơi vào lối mòn “hoài cổ hình thức”, cách làm nghệ thuật của Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào mang dấu ấn dung hòa: truyền thống được giữ lại nhưng được kể lại bằng ngôn ngữ hôm nay. Đó là lý do vì sao khán giả trẻ không thấy lạ lẫm khi Bài chòi xuất hiện giữa sân khấu ánh sáng hiện đại hay một làn điệu dân ca bỗng giao thoa mượt mà với giai điệu của rap và world music.
Gần đây nhất, trong chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng-Bay cao cùng đất nước" chào mừng thành phố bước sang giai đoạn phát triển mới, đạo diễn Quang Hào tiếp tục cho thấy tư duy kết nối thế hệ.
Trên sân khấu, âm nhạc đương đại và truyền thống không tách biệt mà tương hỗ. Hình ảnh một Đà Nẵng phát triển được kể qua những con người thật, câu chuyện thật từ lịch sử đến hôm nay không bằng diễn ngôn hô hào, mà bằng những chất liệu nghệ thuật đời thường, gần gũi.
Nhưng điều đáng nói hơn là sự bền bỉ. Với Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào, mỗi chương trình không nên là sự kiện một lần rồi lãng quên.
Các chương trình do đảm nhiệm luôn được xây dựng với tầm nhìn dài hơi, có thể tái hiện, mở rộng hoặc lưu giữ. “Nghệ thuật không nên chỉ sống trong mùa lễ hội”, Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào chia sẻ thêm.
Đến thời điểm này, dấu ấn nghệ thuật mà Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào để lại không chỉ nằm ở kỹ thuật sân khấu hay hiệu ứng ánh sáng, mà là khả năng kể chuyện bằng cảm xúc, kết nối bằng chiều sâu. (Ảnh: ĐÌNH TĂNG)
Trong mắt đồng nghiệp, Quang Hào là người “nói ít, làm nhiều”; trong mắt nghệ sĩ trẻ, anh là người sẵn sàng trao cơ hội mà không áp đặt khuôn mẫu. Còn trong mắt thành phố, anh là người âm thầm cùng đội ngũ nghệ sĩ của Nhà hát tạo dựng nên một nền nghệ thuật biểu diễn vững chãi, từ những điều tử tế và kiên định nhất.
DIFF 2025 vẫn còn một đêm trình diễn cuối. Nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, dấu ấn nghệ thuật mà Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hào để lại không chỉ nằm ở kỹ thuật sân khấu hay hiệu ứng ánh sáng, mà là khả năng kể chuyện bằng cảm xúc, kết nối bằng chiều sâu.
Một Đà Nẵng bản sắc, nhân văn và hiện đại đang từng bước được kiến tạo, không chỉ bằng chính sách phát triển, mà còn bằng văn hóa. Đây chính là sắc thái, chất liệu để góp phần làm nên hồn cốt của một đô thị trẻ và hiện đại như Đà Nẵng.
ĐÌNH TĂNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/quang-hao-nguoi-nghe-si-ke-chuyen-bang-san-khau-post892348.html