Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng. Ảnh: Việt Linh.
“Một viên kẹo bằng một đĩa rau”, câu nói tưởng chừng đơn giản trong một buổi livestream bán hàng lại nhanh chóng gây phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. Người tiêu dùng đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của sản phẩm được Quang Linh Vlogs giới thiệu. Khủng hoảng truyền thông của anh và Hằng Du Mục cũng bắt đầu từ đó.
Việc 2 KOC (người tiêu dùng chủ chốt) nổi tiếng bị khởi tố, bắt tạm giam xuất phát từ phát ngôn lừa dối khách hàng cho thấy ai cũng phải chịu trách nhiệm với những lời mình nói ra.
Nhìn từ đây, nhiều chuyên gia cho rằng hệ sinh thái KOC, KOL (người có sức ảnh hưởng) tại Việt Nam đang phát triển quá nhanh nhưng lại thiếu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, thiếu hiểu biết pháp luật và kiểm chứng thông tin.
Núp bóng “trải nghiệm cá nhân”
Một trong những vấn đề lớn được các chuyên gia chỉ ra là việc nhiều người nổi tiếng cố tình gọi hành vi quảng cáo là “chia sẻ trải nghiệm cá nhân” nhằm né trách nhiệm kiểm chứng.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, luật đã quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng khi làm quảng cáo. Những trường hợp đã hiểu rõ luật mà vẫn cố tình vi phạm để trục lợi cần được xử lý nghiêm minh nhằm răn đe và bảo vệ sự minh bạch của thị trường quảng cáo.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh tinh thần "thượng tôn pháp luật" trong hoạt động quảng cáo của KOC, KOL. Ảnh: NVCC.
Ngày 31/3, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã thành lập Liên chi hội Quảng cáo và Nội dung số, quy tụ các công ty hoạt động trên nền tảng số. Hai tiêu chí hàng đầu trong tổ chức này là: không có chỗ đứng cho quảng cáo sai sự thật và luôn thượng tôn pháp luật.
“Dù làm quảng cáo, người nổi tiếng hay bất kỳ nghề nghiệp gì, ai cũng phải thượng tôn pháp luật. Nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ông Sơn khẳng định.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia truyền thông Hạ Hồng Việt, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và Chiến lược Sellator, cho rằng việc chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong bối cảnh bình thường là điều “đáng khuyến khích”. Tuy nhiên, khi đã là người nổi tiếng, “trải nghiệm” về một sản phẩm, dịch vụ làm là lời cam kết của họ với khán giả đã đặt lòng tin.
“Chia sẻ trải nghiệm cá nhân khác với việc cố tình đưa thông tin về một sản phẩm mà mình thậm chí còn không biết nguồn gốc, chất lượng ra sao. Đó không còn là chia sẻ đơn thuần, mà có thể là tiếp tay cho hành vi lừa đảo”, chuyên gia nhận xét.
Vấn đề lớn hơn trong cộng đồng KOC, KOL Việt Nam hiện nay là thiếu nền tảng nghề nghiệp rõ ràng. Hai chuyên gia nhắc đến nhiều trường hợp các bạn trẻ bước vào thị trường quảng cáo chỉ nhờ lượng người theo dõi lớn, kênh TikTok “triệu view” nhưng chưa được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp hay luật pháp. Đó là lý do nhiều người dễ mắc khủng hoảng truyền thông.
Tại Mỹ hay Anh, các cơ quan như FTC và ASA đã đưa ra hướng dẫn minh bạch trong việc tiết lộ nội dung tài trợ. Dù chưa phải là bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp hoàn chỉnh, những hướng dẫn này giúp đặt nền móng cho một hệ sinh thái quảng cáo có trách nhiệm. Ông Việt cho rằng đây là mô hình Việt Nam có thể tham khảo để hoàn thiện chính sách nội địa.
Các chuyên gia nhận xét vấn đề lớn trong cộng đồng KOC, KOL Việt Nam hiện nay là thiếu nền tảng nghề nghiệp rõ ràng dẫn đến dễ xảy ra khủng hoảng truyền thông. Ảnh: Hằng Du Mục/Facebook.
“Mọi việc chỉ mới bắt đầu”
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Luật Quảng cáo hiện hành quy định rõ về trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng bá sản phẩm. Bởi lẽ, sức lan tỏa của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp quyết định mua hàng của công chúng.
Dự thảo sửa đổi Luật Quảng cáo mới đây còn bổ sung các cá nhân này phải trực tiếp sử dụng sản phẩm trước khi giới thiệu cho khán giả.
“Các quy định này đảm bảo người nổi tiếng ý thức được mỗi thông tin sai lệch họ đưa ra có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng”, ông Sơn nhận định.
Còn ông Hạ Hồng Việt nhận xét vụ việc này là “cú sốc lớn” đối với cộng đồng KOC, KOL và người tiêu dùng Việt. Song, ông cho rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Theo ông, luật pháp đang bắt đầu chạm đến những vùng trước nay còn mơ hồ, đặc biệt là việc quảng cáo của những người nổi tiếng, có tên tuổi - đối tượng chỉ cần một lời nói có thể ảnh hưởng hàng triệu người.
Ông Hạ Hồng Việt cho rằng "mọi việc chỉ mới bắt đầu" trong việc siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo của KOC, KOL ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Liên quan đến phản ứng xã hội, Giám đốc Sellator đánh giá trào lưu "cancel culture" (tạm dịch: văn hóa tẩy chay) ở Việt Nam hiện nay là “một biểu hiện rõ của quyền lực công chúng”.
Dù vậy, ông Việt cũng cảnh báo về mặt trái của làn sóng này. “Nếu tẩy chay diễn ra quá nhanh, không cho người ta cơ hội giải thích hay sửa sai, thì sẽ xảy ra những điều đáng tiếc. Tẩy chay có thể là hình thức cảnh tỉnh, nhưng nếu làm quá đà thì có thể tạo ra một xã hội đầy phán xét”, ông nói.
Lấy ví dụ về trường hợp “đế chế Ba Con Cừu” tại Trung Quốc - hệ sinh thái hàng triệu người theo dõi bị đánh sập chỉ trong vài ngày vì quảng cáo sai sự thật, chuyên gia truyền thông nhấn mạnh rủi ro của vài câu nói trong thời đại kỹ thuật số.
“Chúng ta đang sống trong thời đại mà một video, một livestream hay thậm chí một bình luận cũng có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người. Nếu những gì bạn nói ra là sai sự thật, hậu quả không đơn giản là xin lỗi cho xong nữa”, ông Việt khẳng định.
Bắt tạm giam Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 3/4 đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs để điều tra tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng.