Hơn 135.000 hộp kẹo rau củ Kera đã được Tập đoàn Chị Em Rọt phân phối ra thị trường. Ảnh: FB Hằng Du Mục.
Ngày 3/4, Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) cùng 3 đối tượng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc để làm rõ hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Hơn 135.000 hộp kẹo đã đến tay người tiêu dùng
Bộ Công an cho biết sau khi nhận được tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera của CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt được Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo sai sự thật, lực lượng chức năng đã phối hợp điều tra, xác minh.
Theo cơ quan chức năng, từ ngày 12/12/2024 đến 19/3/2025, CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt đã bán ra thị trường tổng cộng 135.325 hộp kẹo rau củ Kera, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Với mức giá niêm yết 150.000 đồng/hộp, doanh thu ước tính từ sản phẩm này lên đến hơn 20 tỷ đồng.
Kênh bán hàng chính là TikTok Shop thông qua các buổi livestream của Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, cùng với mạng xã hội Facebook và website riêng.
Tại buổi cung cấp thông tin ngày 14/3, trả lời câu hỏi về việc mức giá 150.000 đồng/hộp 30 viên có quá cao so với chất lượng thực tế, ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt khẳng định mức giá hoàn toàn phù hợp với thị trường.
Ông Linh nói rằng chi phí sản xuất, quảng cáo, khuyến mại và phí bán hàng trên sàn thương mại điện tử là yếu tố cấu thành giá bán như hiện nay.
Đại diện CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt từng khẳng định mức giá 150.000 đồng/hộp 30 viên kẹo rau củ Kera hoàn toàn phù hợp với thị trường. Ảnh: Asia Life.
Tuy nhiên, khảo sát cho thấy trên thị trường nội địa và quốc tế, sản phẩm cùng loại có thể được bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng mỗi hộp nếu mua số lượng lớn.
Ví dụ, một nhà bán hàng trên 1688 rao bán hộp 30 viên kẹo rau với giá 11 nhân dân tệ (tương đương 38.000 đồng), áp dụng với khách đặt từ 100 hộp và chưa tính phí vận chuyển. Đơn vị này còn cho biết có hỗ trợ hình thức OEM, tức gắn thương hiệu được khách hàng yêu cầu.
Cũng trong buổi cung cấp thông tin, trước nghi vấn nguyên liệu kẹo Kera có xuất xứ từ Trung Quốc, ông Lê Tuấn Linh bác bỏ và nhấn mạnh nhà máy cung cấp sản phẩm sử dụng nguyên liệu thu mua hoàn toàn trong nước, từ các vùng trồng như Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Lắk, dưới sự giám sát của chuyên viên kỹ thuật.
Hiện tại, để phục vụ công tác điều tra, xử lý triệt để vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo các cá nhân, tổ chức đã mua 135.325 hộp kẹo Kera liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng 3 - C01; địa chỉ số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội hoặc Điều tra viên Lưu Thị Thanh Hiếu) để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nào gia công kẹo rau củ Kera?
Theo thông tin công bố, toàn bộ sản phẩm của CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt đều được sản xuất tại nhà máy Asia Life, thuộc sở hữu của CTCP Asia Life. Trụ sở chính của công ty này đặt tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả kiểm tra sơ bộ của Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho thấy không có vườn rau nào được Asia Life trồng trong khuôn viên trụ sở công ty. Cơ quan này đã lấy mẫu, đưa đi kiểm nghiệm để có kết luận chính xác.
Asia Life được thành lập vào tháng 1/2022, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ban đầu, ông Nguyễn Phong (sinh năm 1986) là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, từ tháng 7/2024, vị trí này được chuyển giao cho bà Nguyễn Phạm Hồng Vy (sinh năm 1987).
Hiện tại, doanh nghiệp có vốn điều lệ 9 tỷ đồng. Trong đó, ông Phong nắm giữ 30% vốn (2,7 tỷ đồng), bà Bùi Thị Thu Hà góp 1,8 tỷ đồng (20%), còn lại 50% vốn thuộc về bà Hồng Vy với số tiền góp là 4,5 tỷ đồng.
Trụ sở CTCP Asia Life tại Đắk Lắk. Ảnh: CAND.
Trên website, Asia Life tự giới thiệu là đơn vị sở hữu nhà máy đạt chứng nhận GMP đầu tiên tại Đắk Lắk, chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, chất lượng cao.
Doanh nghiệp tập trung vào hoạt động gia công sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung theo mô hình OEM/ODM - tức là sản xuất theo đơn đặt hàng, gắn thương hiệu hoặc thiết kế riêng cho đối tác.
Asia Life cho biết đang sở hữu hai nhà máy tại Đắk Lắk và Đồng Nai với tổng diện tích 2.000 m2, quy mô khoảng 100 nhân sự và kho dữ liệu gồm 2.000 công thức nghiên cứu, phát triển sản phẩm (R&D). Ngoài ra, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tại Đắk Lắk và Lâm Đồng có tổng diện tích gần 300 ha.
Vừa qua, cùng với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs, 3 cá nhân khác là Nguyễn Phong (Chủ tịch HĐQT CTCP Asia Life), Lê Tuấn Linh (Giám đốc, đại diện pháp luật CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt) và Lê Thành Công (Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt) cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam.
Bắt tạm giam Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 3/4 đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs để điều tra tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 4/4, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết cơ quan đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan vụ việc kẹo rau củ Kera.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt được xác định có hành vi cung cấp thông tin không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định; không thông báo trước cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh việc phạt hành chính 80 triệu đồng, Tập đoàn Chị Em Rọt phải có biện pháp khắc phục hậu quả là cải chính thông tin không chính xác.
Đáng chú ý, cơ quan này cũng xử phạt hành chính bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Thùy Tiên) số tiền 25 triệu đồng do không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Trước đó, Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP.HCM công bố kết quả kiểm tra sản phẩm kẹo rau củ Kera và ra quyết định xử phạt Tập đoàn Chị Em Rọt số tiền 125 triệu đồng.
Cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp này vi phạm hai hành vi. Thứ nhất, sản xuất và kinh doanh hàng hóa có nhãn hoặc tài liệu kèm theo không ghi đầy đủ hoặc ghi sai các nội dung bắt buộc theo quy định về nhãn hàng hóa. Thứ hai là lưu hành thực phẩm không đúng với thông tin sản phẩm đã công bố, bao gồm cả phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Liên quan đến hoạt động quảng cáo, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng xử phạt mỗi cá nhân Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục 70 triệu đồng do vi phạm quy định trong các phiên livestream bán hàng. Cả hai được xác định là chủ thể tổ chức buổi phát sóng trực tuyến.
Riêng Hoa hậu Thùy Tiên (khách mời trong một buổi livestream) không bị xử phạt nhưng bị cơ quan chức năng nhắc nhở cần nâng cao ý thức tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia hoạt động quảng bá và cung cấp thông tin trên mạng.