Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục trong một chương trình livestream bán hàng.
Theo phân tích dưới góc độ pháp lý và kinh doanh thương mại, hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được hiểu là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công đoạn như chế biến, gia công, đóng gói, san chiết… để tạo ra sản phẩm tiêu dùng không đúng với bản chất, nguồn gốc tự nhiên, không đảm bảo chất lượng hoặc có chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn công bố. Những sản phẩm này bị coi là hàng giả nếu được đưa ra thị trường trái phép, gây thiệt hại đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Chỉ riêng đối với sản phẩm kẹo KERA, 135.325 hộp đã được bán ra trong thời gian từ 12/12/2024 đến ngày 19/3/2025, với giá 150.000 đồng/hộp 30 viên, các cá nhân có thể đã thu về hơn 20 tỷ đồng. Đáng nói, kẹo này bị phát hiện chứa tới 33% sorbitol, nguyên liệu làm thuốc xổ, thay vì chất xơ.
Hành vi này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, tội lừa dối khách hàng là hành vi sử dụng các thủ đoạn gian dối trong quá trình cung cấp hàng hóa, dịch vụ như gian lận về cân, đo, đong, đếm hoặc thông tin sai lệch nhằm mục đích trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Liên quan đến vụ án này, theo nguyên tắc Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự thì không ai được xem là có tội và phải chịu hình phạt cho đến khi có một bản án có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, dựa vào thông tin, dữ liệu từ cơ quan điều tra, có thể biết được khung hình phạt mà Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và những người liên quan phải đối diện. Cụ thể, đối với Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục… bị Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố để điều tra về tội "Lừa dối khách hàng" tại khoản 2, điều 198, Bộ luật Hình sự.
Vậy, việc bị truy tố tội danh sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, theo quy định tại điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự, các bị can có thể đối diện mức phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Năng &Partner (TP. Thái Nguyên).
Theo Luật sư Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Năng &Partner (TP. Thái Nguyên): Điều 193 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cụ thể như sau: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 2 đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, cấm hành nghề hoặc tịch thu tang vật, phương tiện. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ vĩnh viễn tùy mức độ nghiêm trọng, cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.
Thạc sĩ luật Ma Minh Hiếu trong một cuộc tuyên truyền pháp luật miễn phí cho người dân vùng cao.
Với Tội lừa dối khách hàng, Thạc sĩ luật Ma Minh Hiếu (TP. Thái Nguyên) cho biết: Điều 198 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt đối Tội lừa dối khách hàng từ cảnh cáo đến phạt tù 5 năm tùy mức độ nghiêm trọng, phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Về trình tự tố tụng, Luật sư Nguyễn Đức Năng và Thạc sĩ luật Ma Minh Hiếu thông tin, sau khi bị khởi tố và bắt tạm giam, các bị can sẽ tiếp tục được xử lý theo trình tự tố tụng hình sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Quy trình gồm các giai đoạn chính như sau: Thứ nhất, điều tra mở rộng: Cơ quan điều tra tiếp tục thu thập chứng cứ, lấy lời khai, thực nghiệm hiện trường, giám định, xác định hậu quả, vai trò, mức độ vi phạm của từng bị can. Viện kiểm sát kiểm sát quá trình điều tra nhằm đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, kết thúc điều tra: Khi có đủ căn cứ, cơ quan điều tra ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát. Thứ ba, truy tố: Viện kiểm sát xem xét hồ sơ, đánh giá chứng cứ, có thể yêu cầu điều tra bổ sung nếu cần thiết. Nếu đủ căn cứ, sẽ ra cáo trạng và truy tố bị can ra tòa.
Thứ tư, xét xử sơ thẩm: Tòa án thụ lý, đưa vụ án ra xét xử công khai và ban hành bản án. Thứ năm, kháng cáo/kháng nghị (nếu có): Bị cáo và những người có quyền lợi liên quan có thể kháng cáo. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị. Vụ án khi đó sẽ được xét xử phúc thẩm. Thứ sáu, thi hành án: Nếu bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thực hiện việc thi hành án phạt tù, phạt tiền hoặc bồi thường dân sự (nếu có).
Vụ án của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục không đơn thuần là một cú sốc truyền thông, mà là một hồi chuông cảnh tỉnh về cái giá phải trả khi dùng danh tiếng đánh đổi lấy lợi nhuận trong thời đại số. Đây là bài học đắt giá cho những người nổi tiếng khi đánh mất ranh giới giữa sức ảnh hưởng và trách nhiệm, giữa việc được yêu mến và việc lợi dụng chính niềm tin đó để trục lợi.
Minh Anh