“Hào quang Mặt Trời” đã xuất hiện ở Hà Nội vào trưa ngày 15/5, khiến nhiều người rất thích thú vì được chiêm ngưỡng một hiện tượng thú vị, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người đồn đoán rằng đây là “điềm báo” sự biến chuyển nào đó trong tự nhiên.
Nhưng hiện tượng quầng Mặt Trời này đã được các tổ chức khí tượng giải thích nhiều lần rằng nó không phải là “điềm báo” gì theo ý nghĩa tâm linh, mà cho biết rằng độ ẩm trong khí quyển cao, vì vậy, quầng Mặt Trời thường là dấu hiệu cho biết sẽ có mưa trong 24 - 48 giờ tới.
Vậy mà ở Hà Nội vẫn gần như không có mưa, chỉ rải rác có mưa nhỏ hoặc rất nhỏ, lất phất không đáng kể.
Mà dự báo từ vài ngày trước đã là Hà Nội sẽ có mưa, dông.
Tại sao lại như vậy?
Ảnh: Hà Nội News.
Trước hết, dự báo mưa là rất khó chính xác vì bầu khí quyển liên tục biến đổi, và những yếu tố như nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, gió có thể thay đổi nhanh chóng. Chỉ cần một sự thay đổi trong bất kỳ yếu tố nào cũng có thể thay đổi khả năng mưa. Ngoài ra, những đặc điểm địa lý (núi, sông, khu vực đô thị) cũng có thể ảnh hưởng đến các dự báo mưa, dông.
Về quầng Mặt Trời, hiện tượng này cũng không đảm bảo là sẽ có mưa vì những cơn mưa hoặc dông có thể “bỏ lỡ” một số khu vực, ví dụ, do mây có thể bị gió thổi đi nơi khác.
Vì vậy, dù Hà Nội gần như không mưa nhưng độ ẩm trong không khí đúng là cao, khiến nhiều lúc trời oi bức. Dự báo từ hôm nay đến 19/5, Hà Nội vẫn có mưa rải rác dù hầu như chỉ là mưa nhỏ hoặc rất nhỏ, nếu có dông thì tập trung vào chiều tối hoặc tối. Nhìn chung, từ nay đến cuối tuần, người dân ra ngoài cứ nên mang theo đồ che mưa vì mưa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Dự báo mưa ở một số tỉnh thành miền Bắc vào sáng mai, 17/5, theo mô hình GFS của Mỹ. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap, GFS.
Quầng Mặt Trời cũng đã xuất hiện ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn…, trong đó ở Bắc Kạn đã có mưa rất to còn Lạng Sơn, Thái Nguyên thì mưa nhỏ. Cho nên, có thể nói là dự báo mưa là rất khó chính xác, dù căn cứ vào các mô hình của máy tính hay hiện tượng trong tự nhiên.
Thục Hân