Bài toán ùn tắc chưa có lời giải
Dòng xe từ phía xã Cẩm Kim, TP Hội An nối đuôi nhau chạy về phía xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên mỗi lúc một đông và ngược lại. Ô tô, xe máy nháy đèn liên tục để xin lên cầu nhưng đành phải nhường nhau, bởi cầu chỉ rộng hơn 3m. Lưu lượng giao thông vì vậy ùn tắc, chen chúc nhau xếp hàng chờ.
Đó là ghi nhận của phóng viên vào khung giờ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 tại tuyến đường cầu Bà Ngân thuộc xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Cây cầu được người dân ví như “nút thắt cổ chai” gây cản trở giao thông và nguy cơ mất an toàn.
Do nhu cầu đi lại giữa huyện Duy Xuyên và TP Hội An ngày càng tăng nên cầu Bà Ngân đã ùn tắc giao thông liên tục.
Cầu Bà Ngân vốn được xây dựng để phục vụ việc đi lại của bà con trong vùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt từ khi TP Hội An xây dựng và đưa vào khai thác cầu Cẩm Kim, lưu lượng giao thông tăng đột biến. Vô hình trung, cầu Bà Ngân trở nên lạc hậu, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như nhu cầu di chuyển của người dân và khách du lịch.
Nhà ở thị trấn Nam Phước nhưng làm việc dưới TP Hội An, chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi) cho biết rất mệt mỏi mỗi khi đi qua đoạn cầu Bà Ngân, đặc biệt khung giờ sáng sớm và chiều tối. Nhưng do đây là con đường ngắn và thuận tiện nhất nên vẫn phải ưu tiên. Nhiều hôm chị phải mất 20-30 phút chờ đợi nếu xuất hiện tình trạng chen lấn trên cầu.
Ông Nguyễn Hùng (42 tuổi, người dân xã Duy Phước) liên tục lắc đầu mỗi khi nhắc đến cầu Bà Ngân. Bởi người dân đã nhiều lần kiến nghị với hy vọng sớm làm mới tuyến đường này để phục vụ đi lại và phát triển kinh tế. “Nhìn thấy ùn ứ giao thông nhiều năm nay mà buồn” - ông chia sẻ.
Một số hạng mục của cây cầu đã xuống cấp và không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Theo ông Hùng, cầu Bà Ngân chỉ rộng khoảng 3m, dài hơn 200m. Vì vậy, nếu một ô tô lên cầu, xe phía đối diện buộc phải dừng lại. Xe máy thường tranh thủ nối đuôi xe ô tô để vượt qua. Nhiều trường hợp không nhường nhau đã dẫn đến tranh cãi, thậm chí xô xát.
Mòn mỏi chờ cầu mới
Ông Lê Hai, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, thừa nhận cầu Bà Ngân chính là trăn trở lớn nhất của người dân và chính quyền địa phương trong nhiều năm qua. Thực trạng của tuyến đường không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí đang trở thành gánh nặng về an ninh trật tự.
Theo lý giải của ông Lê Hai, thông thường mỗi dịp lễ, Tết địa phương đều phải phân công nhân sự để phân luồng giao thông. Nhưng thời gian gần đây phải bố trí nhân sự liên tục vào giờ cao điểm nhằm hướng dẫn phương tiện đi lại do lưu lượng tăng. Mỗi năm, địa phương cũng giải quyết hàng chục vụ xô xát trên cầu và nhiều vụ tai nạn giao thông. Vì vậy, cầu Bà Ngân dần tiêu tốn nguồn lực con người và tài chính của địa phương.
“Xã Duy Phước và cử tri đã nhiều lần kiến nghị trên các diễn đàn với mong muốn sớm đầu tư dự án. Các cấp chính quyền dù đã kiểm tra thực tế, nghiên cứu phương án, cắm mốc lộ giới nhưng đến nay vẫn chưa có động thái triển khai” - ông Lê Hai nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết công trình cầu Bà Ngân nằm trong hành lang quy hoạch tuyến đô thị Duy Xuyên - Hội An - Điện Bàn nối đường 129 đến quốc lộ 14H. Nhưng công trình hiện chỉ cho phép xe ô tô khách từ 16 chỗ trở xuống và xe tải dưới 6 tấn qua cầu, đường dẫn 2 đầu là đường cong khuất tầm quan sát, chật hẹp không có điểm dừng tránh xe.
Công an huyện và UBND xã Duy Phước đã hỗ trợ điều tiết giao thông nhưng với lưu lượng xe ngày càng lớn, việc này không đảm bảo hiệu quả. Huyện đã kiến nghị tỉnh sớm bố trí nguồn vốn để triển khai dự án xây cầu mới.
Trả lời những kiến nghị của cử tri địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng công trình cầu Bà Ngân có vị trí quan trọng và là tuyến ngắn nhất nối trung tâm huyện Duy Xuyên với TP Hội An nên lưu lượng phương tiện qua cầu rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định công trình cầu và đường dẫn thuộc danh mục ưu tiên đầu tư. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Tấn Việt