Quảng Nam nổi tiếng là vùng đất sở hữu nhiều tháp cổ nghìn năm tuổi, với nghệ thuật điêu khắc và tạo hình độc đáo trên đá sa thạch. Ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn, dấu ấn của nền văn hóa Chămpa còn lưu lại tại địa phương này khá nhiều như tháp Sáng (Phật viện Ðồng Dương), nhóm tháp Chiên Ðàn, tháp Bằng An, nhóm tháp Khương Mỹ,…
Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều tháp Chăm đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Trước thực tế đó, Quảng Nam đã đầu tư khoảng 44 tỷ đồng để “giải cứu” loạt di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này.
Ghi nhận của PV VietNamNet, Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình), nơi từng được xem là tu viện lớn nhất Đông Nam Á, ngày nay đã trở thành phế tích.
Hình ảnh giúp nhận dạng đền thờ xây dựng năm 875 này chỉ còn lại một mảng tường của tháp Sáng, phải chằng chống bằng khung thép, xung quanh cỏ dại um tùm trông nhếch nhác.
Mặc dù đang được chống đỡ chằng chịt nhưng nhiều viên gạch, đá trên tường mất dần sự liên kết, rơi vãi dưới chân tháp, nguy cơ đổ sập.
Để cứu lấy di tích cấp quốc gia đặc biệt này, Quảng Nam quyết định chi 12 tỷ đồng để tu bổ, gia cố tháp Sáng.
Cách đó 30km, cụm 3 tháp Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh) được xây dựng cuối thế kỷ 11, cũng bắt đầu xuống cấp. Hai tháp bắc và nam chỉ còn lại phần thân.
Năm 2021, Quảng Nam đầu tư gần 5,5 tỷ đồng tu bổ tháp nam (trái) và dự án đã hoàn thành cuối năm 2023.
Đến nay, tháp giữa và phía bắc Chiên Đàn xuống cấp nghiêm trọng do bị rễ cây ăn sâu vào thân, gạch bong tróc, rơi vãi.
Bên ngoài bề mặt thân tháp hư hại, cây dại mọc khắp nơi. Cấu trúc thân mái tầng 2 cũng bị hư hại nặng nề, các khối trang trí đều mất bề mặt, gạch xây nhiều chỗ đã mất liên kết, có nguy cơ rời ra.
Toàn bộ phần chân tháp và 4 mặt tường đều đổ vỡ, chỉ còn lại dấu vết một vài khối đá ốp trang trí tạc hình vũ nữ. Ngay trước lối dẫn vào tháp, nhiều dấu tích khai quật còn dở đang bị cỏ mọc che lấp.
Tháp bắc bị mất phần mái, cơ quan chức năng dùng tấm tôn lợp phía trên ngăn nước chảy vào trong nhưng mỗi khi mưa, lòng tháp vẫn bị ướt và bám đầy rêu mốc.
Để bảo tồn tháp giữa và bắc Chiên Đàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án gần 17 tỷ đồng trùng tu.
Nằm ngay bên trục đường tỉnh lộ 609, tháp Bằng An (phường Điện An, thị xã Điện Bàn) có kiến trúc hình bát giác độc đáo, không giống bất cứ ngôi tháp nào còn tồn tại cho đến ngày nay tại Việt Nam.
Do thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, công trình 1.000 năm tuổi chỉ còn lại một tháp thờ chính cao 21,5 m.
Hiện phần đỉnh tháp đã sạt lở và mất chi tiết trang trí ở các cạnh. Phần cửa ra vào bị rêu mốc phủ đen, nhiều mảng gạch bị ăn mòn. Thân sau của tháp cũng bị một đường nứt chạy từ trên xuống dài gần 2m, rộng 3cm.
Sắp tới, Quảng Nam dành 9 tỷ đồng để trùng tu di tích được cho là một trong những tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn nhất còn lại của nền văn hóa Chămpa.
Là khu đền tháp Chăm thuộc loại lớn, đẹp và đặc sắc, được công nhận Di tích quốc gia năm 1989, nhóm tháp Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) gồm 3 công trình xếp thành hàng ngang theo trục Bắc Nam.
Trải qua hơn 1.000 năm, tháp hư hỏng và có nguy cơ sập đổ. Cuối năm 2019, tháp giữa và tháp bắc (bên phải) đã được tu bổ với kinh phí 12 tỷ đồng.
Đến nay, tháp nam (bên trái) cũng xuống cấp nặng, phần gạch dưới chân bị mủn, phong hóa dần tạo thành các vết lõm ăn sâu tới hơn nửa mét. Trước hiện trạng trên, Quảng Nam đầu tư gần 6 tỷ đồng để tu bổ.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao du lịch Quảng Nam, việc trùng tu các tháp Chăm nhằm phục hồi, ổn định lâu dài các cấu trúc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, tạo điểm đến tham quan, nghiên cứu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các dự án đã trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi có ý kiến của Bộ, việc trùng tu sẽ được thực hiện và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Hà Nam