Quảng Nam có 479 sản phẩm OCOP

Quảng Nam có 479 sản phẩm OCOP
16 giờ trướcBài gốc
Ngày 26/12, tại tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và trao giấy chứng nhận OCOP năm 2024 cho các sản phẩm.
Hội nghị tổng kết chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ảnh: QNO
Năm 2024, tổng số sản phẩm chính thức tham gia Chương trình OCOP là 169 sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có 18/18 địa phương hoàn thành đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, đã đánh giá hơn 130 sản phẩm (trong đó có 43 sản phẩm công nhận lại).
13 địa phương đã ban hành Quyết định công nhận cho 100 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đồng thời có 8 sản phẩm các địa phương đề xuất đánh phân hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tiến hành đánh giá, kiểm tra cơ sở, gửi mẫu kiểm nghiệm và kết quả là có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP năm 2024.
Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018 - 2024), Quảng Nam có 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 419 sản phẩm 3 sao, 60 sản phẩm 4 sao. Trình Trung ương đánh giá 5 sao cấp quốc gia đối với 5 sản phẩm, gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Saphraton (Nam Trà My), tinh dầu quế Trà My (Bắc Trà My), tiêu Tiên Phước (Tiên Phước), MITRI TEA Trà sâm Ngọc Linh (Phú Ninh), bánh dừa nướng Quý Thu (Quế Sơn).
Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao là: huyện Tiên Phước 47 sản phẩm, thành phố Tam Kỳ 38 sản phẩm, huyện Thăng Bình 37 sản phẩm, Thị xã Điện Bàn 34 sản phẩm và huyện Đại Lộc 30 sản phẩm.
Năm 2024, tổng số sản phẩm chính thức tham gia Chương trình OCOP ở Quảng Nam là 169 sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng quy mô sản xuất và phát triển kênh tiêu thụ, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Các chủ thể OCOP đã tạo ra hàng nghìn việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
“Chặng đường phía trước còn dài và nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cần đóng góp những ý kiến thiết thực, những giải pháp hiệu quả để cơ quan tham mưu tổng hợp, nghiên cứu đề xuất nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu chương trình đề ra", ông Nguyễn Xuân Vũ nói.
Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, năm 2024 UBND tỉnh tiếp tục phân bổ cho ngành liên quan và chính quyền các địa phương gần 11,3 tỷ đồng để thực hiện Chương trình OCOP. Năm nay, tỉnh có 169 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; 18 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.
“Chương trình OCOP đã giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Các sản phẩm tham gia chương trình được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển. Các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu...”, ông Trần Văn Noa thông tin và cho biết thêm, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; lựa chọn một số sản phẩm OCOP có khả năng cạnh tranh trên thị trường để thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Phối hợp với các đơn vị có liên quan, hỗ trợ chủ thể đưa sản phẩm OCOP đã được công nhận lên các sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Hạ Vĩ
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/quang-nam-co-479-san-pham-ocop-131673.htm