Quảng Nam - Đà Nẵng: Nâng cấp hạ tầng số, dữ liệu để dân 'không xa' chính quyền

Quảng Nam - Đà Nẵng: Nâng cấp hạ tầng số, dữ liệu để dân 'không xa' chính quyền
9 giờ trướcBài gốc
Tại tỉnh Quảng Nam, sau khi kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện, dự kiến số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã (mới) tăng gấp 3 lần, số hồ sơ mà UBND xã giải quyết tăng lên 9 lần so với trước. Người dân miền núi tỉnh Quảng Nam lo ngại khi số xã giảm, cùng với đó là hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sẽ khiến khoảng cách giữa dân và trụ sở chính quyền “xa hơn”. Ban chỉ đạo hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã chủ động bàn chuyện số hóa; tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; nâng cấp hạ tầng, kịp thời phục vụ người dân khi 2 địa phương về "chung một nhà". Công việc này đã và đang được thực hiện quyết liệt, tránh tình trạng đứt gãy trong việc phục vụ người dân.
Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập 1.218 tổ công nghệ số cộng đồng ở hầu hết các thôn trên địa bàn, với trên 7.000 thành viên. Mỗi tổ có từ 5 đến 6 thành viên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đến người dân kiến thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong giải quyết thủ tục hành chính.
Giải quyết thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Tại xã Cà Dy, huyện vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, kỹ năng về công nghệ của người dân còn hạn chế. Hơn 3 năm qua, trên địa bàn xã đã thành lập 4 tổ công nghệ số cộng đồng tại 4 thôn với 16 thành viên. Các thành viên trong tổ phân công nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” về chuyển đổi số. Cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con thực hành các kỹ năng cơ bản trên điện thoại thông minh như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cài đặt và sử dụng nền tảng dùng chung của tỉnh, cổng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích số; thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử, an toàn thông tin và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên môi trường internet…
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối với thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng.
Chị Bhnướch Râng sống tại xã Cà Dy, huyện Nam Giang từng loay hoay không biết bắt đầu từ đâu để kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đến nay chị đã thuần thục mọi thao tác nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ công nghệ số cộng đồng.
“Mọi thủ tục được thực hiện rất nhanh, gọn khi mình sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID. Mình không phải đi tới trụ sở UBND xã hay UBND huyện nhiều lần để làm thủ tục bằng giấy như trước đây nữa mà mình chỉ cần sử dụng qua điện thoại để thực hiện thủ tục và có kết quả nhanh” - chị Bhnướch Râng chia sẻ.
Thôn 3, xã Phước Lộc, huyện vùng cao Phước Sơn hầu hết là đồng bào Bhnong, Giẻ Triêng sinh sống, đường sá đi lại khó khăn, chưa có sóng di động và internet. Nhiều năm qua, anh Hồ Văn Đề, Bí thư Chi bộ thôn 3, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần hay thời điểm nghỉ trưa, chiều tối… để đến từng nhà người dân ở thôn nóc xa xôi hướng dẫn họ cài đặt, sử dụng các nền tảng số, ứng dụng cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhờ sự năng nỗ của anh Hồ Văn Đề mà nhiều người dân trong thôn biết sử dụng các ứng dụng.
Anh Hồ Văn Đề, Bí thư Chi bộ thôn 3 hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Anh Hồ Văn Đề, Bí thư Chi bộ thôn 3 cho biết: “Trước đây nhiều người trong thôn 3 sử dụng điện thoại thông minh chủ yếu để nghe nhạc và xem phim thôi, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn thì nhiều người đã biết dùng điện thoại đăng ký, thực hiện thủ tục hành chính qua mạng”.
Từ cuối năm 2022 đến nay, tại tỉnh Quảng Nam, Chương trình viễn thông công ích được triển khai rộng rãi, góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông tới tận các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. VNPT Quảng Nam thực hiện chương trình tặng điện thoại thông minh cho hộ nghèo khu vực miền núi, biên giới, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, nhà mạng Vinaphone cũng hỗ trợ lắp đặt và sử dụng dịch vụ truy nhập Internet đối với các hộ dân sống trong vùng “lõm” sóng di động và internet.
Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, phục vụ cho công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, sau khi kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện, dự kiến số thủ tục hành hính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã (mới) tăng gấp 3 lần. Sau khi thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Quảng Nam sắp xếp 233 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 78 xã, phường. Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã (mới) sẽ tăng lên khoảng 8 đến 9 lần so với trước, gây nguy cơ chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng khảo sát hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam.
Người dân sống tại khu vực miền núi cao, biên giới tại tỉnh Quảng Nam boăn khoăn, khi kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện và hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết thủ tục hành chính khi khoảng cách địa lý giữa nơi ở của họ và trung tâm hành chính mới rất xa. Từ thực tế này, Ban Chỉ đạo hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương chủ động phối hợp, tập trung nâng cấp hạ tầng, tích hợp và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu dùng chung của 2 địa phương này. Mới đây, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cùng Sở Khoa học và Công nghệ của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tiến hành thành lập Tổ ứng cứu thông tin, duy trì đội hỗ trợ, vận hành, xử lý sự cố kỹ thuật các hệ thống tại Quảng Nam để kịp thời hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong việc vận hành các hệ thống dùng chung.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (bên phải) kiểm tra tình hình hoạt động tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã ghi vốn đầu tư thêm các ki ốt dịch vụ công lưu động, giúp thực hiện các dịch vụ hành chính công nhanh chóng. Dự kiến các ki ốt này sẽ đặt tạm thời tại trụ sở UBND xã (mới) cùng với sự hỗ trợ của tổ công nghệ cộng đồng sẽ giúp người dân tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ công trực tuyến.
“Ki ốt dịch vụ công lưu động này được tích hợp nhiều thiết bị như: máy tính, máy scan, nhiều thiết bị hiện đại… Người dân có thể mang theo giấy tờ, hồ sơ gốc đến đây để scan và thực hiện các thủ tục trực tuyến mà không phải đi đến trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng mới từ đó hướng tới mức độ cao hơn là phi địa giới hành chính và hành chính công chủ động” - ông Nguyễn Đức Bình thông tin.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng bàn chuyện số hóa, tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Chuẩn bị cho việc về "chung một nhà", thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã có những cuộc họp bàn chuyện "số hóa". Hai bên bàn giải pháp để tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 2 địa phương một cách đồng bộ; thống kê, rà soát phần mềm, dữ liệu dùng chung; phối hợp nâng cấp hạ tầng, cập nhật thông tin của người dân.
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam.
Quá trình tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi vì trước đây 2 bên đều dựa trên khung kiến trúc tổng thể của Chính phủ. Công nghệ và giải pháp kết nối các trục liên thông hiện nay đã phát triển nên việc đấu nối, kết nối 2 hệ thống dữ liệu không khó nhưng cần thời gian.
Hiện từng sở, ban, ngành của 2 địa phương đang tích cực phối hợp để tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, đảm bảo sau hợp nhất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ và cung cấp dịch vụ công một cách thông suốt, liên tục; người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi nhất.
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 30 ki ốt dịch vụ công lưu động, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều ki ốt giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu cần phải quan tâm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu lĩnh vực đất đai và hộ tịch. Nếu không hoàn thành việc tích hợp dữ liệu 2 lĩnh vực này thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề bất cập khác cho nên phải tích cực làm nhanh chứ không thể chần chừ được. Tôi đề nghị các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung chỉ đạo việc này với quyết tâm cao nhất. Ngoài ra, cần quan tâm đến an toàn mạng, an ninh mạng và an toàn dữ liệu, điều này rất quan trọng vì nếu hệ thống cơ sở dữ liệu mà mất đi là không thể lấy lại được”.
Từng sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam phối hợp với cơ quan cùng cấp phía thành phố Đà Nẵng tích hợp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ.
Việc nâng cấp hạ tầng số, cập nhật và đồng bộ hóa dữ liệu công dân cùng hệ thống dịch vụ công trực tuyến không chỉ là bước chuẩn bị về kỹ thuật mà còn là nền tảng cốt lõi để hiện thực hóa một chính quyền số hiệu quả sau khi hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Khi dữ liệu được kết nối liền mạch, các hệ thống thông tin được tích hợp thông minh và người dân có thể tiếp cận dịch vụ công một cách thuận tiện, quá trình chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp sẽ diễn ra suôn sẻ, tối ưu nguồn lực và nâng cao chất lượng phục vụ. Đây chính là cơ hội để hình thành một mô hình quản trị mới – hiện đại, linh hoạt và gần dân hơn, góp phần đưa thành phố Đà Nẵng mới trở thành điểm sáng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Long Phi/ VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/quang-nam-da-nang-nang-cap-ha-tang-so-du-lieu-de-dan-khong-xa-chinh-quyen-post1199159.vov