Đội tàu xa bờ cập cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành để tiêu thụ sản phẩm (ảnh tư liệu).
Tỉnh đặt mục tiêu trong tháng 11, toàn bộ số tàu này sẽ được Chi cục Thủy sản, các địa phương ven biển, bộ đội biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho các chủ tàu đăng ký, được cấp giấy phép khai thác và được đăng kiểm đầy đủ.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 2.997 tàu cá đã đăng ký; trong đó, có 1.960 tàu có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m hoạt động vùng bờ, 419 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng và 618 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở tuyến khơi.
Về nguyên nhân còn một số tàu cá chưa được cấp phép do một số tàu cá đã mua bán nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ, chủ tàu đã tự ý thay máy, cải hoán tàu nên không đủ điều kiện đăng kiểm. Tàu cá đã bị hỏng không thể hoạt động, bị chìm nhưng chủ tàu không làm thủ tục xóa đăng ký theo đúng quy định. Tàu cá đậu ở các bãi ngang, khi đi khai thác thủy sản đã không qua Trạm kiểm soát của Biên phòng nên người dân không chủ động thực hiện thủ tục cấp phép lại. Một số tàu cá hoạt động vùng lộng, vùng khơi do chưa đủ các điều kiện cấp phép (chưa kích hoạt lại hệ thống giám sát hành trình, hết hạn đăng kiểm, đã thực hiện xong các chuyến biển trong năm, hoạt động không hiệu quả) nên chưa thực hiện các thủ tục để cấp lại giấy phép.
Trong nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU, cũng từ nay đến hết tháng 11, Chi cục Thủy sản Quảng Nam sẽ phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tại các trạm kiểm soát biên phòng nhằm ngăn chặn không cho các tàu cá không đảm bảo các quy định ra vào biển. Đồng thời, triển khai ngay việc giám sát sản lượng khai thác hải sản tại các xã, phường có bến cá tư nhân, bến cá truyền thống như Thanh Hà, Cù Lao Chàm (Hội An), An Lương (Duy Xuyên), Tam Tiến (Núi Thành), Tân An (Thăng Bình).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, địa phương đã nỗ lực trong việc thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động và kế hoạch triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, các văn bản khác có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tuyên truyền vận động, cũng như tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển. Qua đó xử lý trên 150 vụ về khai thác IUU, xử phạt vi phạm hành chính 107 vụ, với tổng số tiền xử phạt hơn 2,22 tỷ đồng, chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Ông Ngô Đức An, Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, để xóa tàu cá "3 không", địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai, hướng dẫn đăng ký, cấp phép tàu cá "3 không". Địa phương cũng phối hợp với Chi cục Thủy sản Quảng Nam liên hệ các cơ sở đăng kiểm để hướng dẫn, hỗ trợ cho ngư dân các thủ tục đăng kiểm đối với tàu cá "3 không" thực hiện hồ sơ thiết kế, kiểm định máy thủy. Dự kiến đến ngày 20/11, toàn bộ hơn 30 tàu cá "3 không" của địa phương sẽ được đăng ký, được cấp giấy phép khai thác và được đăng kiểm.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5. UBND tỉnh đang tập trung triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, các văn bản khác có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, tổng hợp thực trạng tàu cá, tổ chức nghiên cứu, phân loại, phối hợp với các lực lượng có liên quan, các địa phương theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; đồng thời hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở Dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase).
UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động khai thác trên biển và tàu vượt ranh giới cho phép khai thác thủy sản. Song song đó, chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả trong chống khai thác IUU. Cùng đó, kiểm tra, kiểm soát tàu ra, vào cảng theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp phép tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m trong tháng 11/2024, tuyệt đối không để phát sinh tàu cá "3 không". Nếu địa phương nào để phát sinh, Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Tin, ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)