Quảng Nam: Đau đầu với nguy cơ hàng loạt công sở bị bỏ hoang

Quảng Nam: Đau đầu với nguy cơ hàng loạt công sở bị bỏ hoang
4 giờ trướcBài gốc
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, Quảng Nam thực hiện sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn để thành lập huyện Quế Sơn mới; sáp nhập 16 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.
Theo Nghị quyết số 1241/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Nam, từ ngày 1/1/2025, huyện Nông Sơn sẽ chính thức sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 471,64km2, quy mô dân số 35.438 người vào huyện Quế Sơn.
Chủ trương sáp nhập 2 huyện trên nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề sắp xếp trụ sở dôi dư lại đang khiến địa phương và ngành chức năng “đau đầu”.
Trụ sở UBND huyện Nông Sơn hoành tráng, khang trang sẽ dùng vào việc gì sau khi sáp nhập...
Thực tế cho thấy, vướng mắc trong xử lý công sở, nhà đất dôi dư sau sáp nhập là bài toán nan giải, khó khăn. Nếu muốn khai thác thì phải đưa vào quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chung của địa phương, đăng ký danh mục, điều chỉnh đơn vị sử dụng đất, muốn bán hay đấu giá thì còn phải đợi tỉnh phê duyệt…
Bên cạnh đó là các quy định của Luật Quản lý sử dụng, tài sản công; Luật Đất đai; các nghị định, thông tư có liên quan còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng hoặc chưa quy định nên ảnh hưởng đến việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Ngoài ra, với quy mô xây dựng trụ sở cơ quan hoành tráng, quy mô, nên việc bàn giao lại cho các các ngành như giáo dục, y tế hay chính quyền cấp xã… chắc chắn sẽ không sử dụng hết công năng, chưa nói đến việc hiện nay hầu hết tại các xã đều đã có trụ sở, thiết chế văn hóa hoàn thiện.
Tại Quảng Nam, ngoài việc dôi dư công sở sau khi sáp nhập thì vẫn tồn tại việc một loạt trụ sở các cơ quan cũng rơi vào cảnh bị hoang phế, cỏ dại mọc đầy khuôn viên. Cụ thể như hàng loạt trụ sở cơ quan cũ tại huyện Nam Giang đến nay vẫn bị hoang phế, chưa có phương án cụ thể để sử dụng tránh lãng phí.
Công sở bị bỏ hoang sau khi UBND huyện Nam Giang di dời
Năm 2019. khi huyện Nam Giang di dời Trung tâm hành chính từ xã Cà Dy về thị trấn Thạnh Mỹ, hàng loạt trụ sở cơ quan ngành dọc cũng di dời theo. Điều đáng nói, hiện nay, tại xã Cà Dy, hàng loạt trụ sở cũ được xây dựng khá khang trang, bề thế bị bỏ hoang đang dần xuống cấp, cỏ dại mọc đầy khuôn viên, trông rất nhếch nhác. Có thể điểm qua một số trụ sở như: VKSND huyện Nam Giang, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nam Giang… Hầu hết các trụ sở này đóng cửa, không một bóng người, xung quanh khuôn viên cỏ dại mọc đầy. Những tấm bảng tên của các trụ sở đều phai mờ hết các dòng chữ. Nhiều khuôn viên trụ sở ngập trong cỏ dại và lá cây trông rất nhếch nhác.
Chứng kiến hàng loạt trụ sở khang trang đang dần hoang phế trong khi đời sống đại bộ phận người dân huyện Nam Giang còn rất khó khăn, nhiều người qua lại trên tuyến Quốc lộ 14D không khỏi xót xa bởi sự lãng phí quá lớn.
Theo lãnh đạo huyện Nam Giang, sau khi di dời Trung tâm hành chính từ Cà Dy xuống Thạnh Mỹ, một số trụ sở cũ đã được cải tạo, bố trí cho các đơn vị để tiếp tục sử dụng, như: trụ sở Huyện ủy nay là trụ sở hành chính xã Cà Dy; trụ sở UBND huyện nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy – Tà Bhing…
Riêng một số trụ sở của các cơ quan ngành dọc dù đã di dời xuống Thạnh Mỹ nhưng đến nay, các cơ quan đó vẫn chưa giao đất lại cho huyện nên hiện vẫn bỏ hoang. Lãnh đạo Nam Giang cho biết, khi nào các cơ quan ngành dọc giao lại đất cho huyện tiếp quản thì huyện sẽ có phương án tính toán, bố trí cho các cơ quan ở xã Cà Dy hoặc làm nhà nội trú cho học sinh…
Bài toán chống lãng phí thật sự "đau đầu" với ngành chức năng Quảng Nam
Điều đáng chú ý, theo thống kê năm 2019, Nam Giang có 7.265 hộ với dân số hơn 26.123 người, hơn 70% là người đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong 74 huyện nghèo nhất cả nước giai đoạn 2021-2025.
Nhưng trong vòng 30 năm, Trung tâm hành chính huyện miền núi này được dời đi dời lại đến 3 lần. Trung tâm hành chính huyện Nam Giang trước đây đặt tại Bến Giằng, xã Cà Dy. Sau ngày đất nước thống nhất, cho rằng vị trí này không thích hợp, dân cư thưa thớt, vận chuyển nhu yếu phẩm... từ đồng bằng lên vất vả nên tỉnh và huyện đồng thuận di dời.
Năm 1984, Trung tâm Hành chính huyện Nam Giang hoàn tất việc chuyển xuống thị trấn Thạnh Mỹ, cách Bênh Giăng khoang 12km.
Đến năm 1997, lãnh đạo huyện Nam Giang tiếp tục xin chuyển trung tâm hành chính quay lại Bến Giằng. Lý do lần trở về "bến cũ" là lo ngại nhà máy xi-măng sắp xây dựng ở Thạnh Mỹ gây ô nhiễm; thuận lợi cho việc đi lại của người dân các xã vùng cao...
Đến năm 2015, dư luận từng xôn xao bàn tán về quyết định di dời Trung tâm Hành chính huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam từ xã Cà Dy về thị trấn Thạnh Mỹ vì cho rằng gây nên sự tốn kém và lãng phí. Bởi lẽ, Nam Giang là một trong những huyện nghèo nhất cả nước.
Đến năm 2019, sau khi được đầu tư xây dựng các trụ sở UBND huyện và huyện ủy thì Trung tâm hành chính huyện Nam Giang được dời xuống thị trấn Thạnh Mỹ cách nơi cũ hơn 10km. Tổng kinh phí để xây dựng khu trung tâm hành chính mới lên đến 100 tỉ đồng.
Hải Nam
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/quang-nam-dau-dau-voi-nguy-co-hang-loat-cong-so-bi-bo-hoang-463669.html