Dự án thi công đứt đoạn
Dự án thành phần 2 chia làm hai đoạn. Đoạn 1 dự án có điểm đầu tại Km27+400/ĐT.619 (đường Võ Chí Công), điểm cuối giao với đường nối từ QL1 đi vùng Đông Duy Xuyên, chiều dài 19,39km; trong đó đoạn qua địa phận huyện Thăng Bình dài 18,4km, 1km còn lại đi qua địa phận xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên.
Dự án thi công không liền mạch, đứt đoạn. Nhà thầu cũng không tập trung mọi nguồn lực để thi công dứt điểm từng đoạn đã có mặt bằng sạch.
Đoạn 2 có điểm đầu tại Km27+400/ĐT.619 (đường Võ Chí Công), điểm cuối giao với QL1 tại Km979+310/QL1, dài 3,74km qua huyện Thăng Bình.
Tổng mức đầu tư dự án 956 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB 159,2 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện trong 720 ngày, dự kiến hoàn thiện vào tháng 4/2025. Dự án có 4 cây cầu gồm cầu Bản ĐH5, cầu Tú Nghĩa, cầu Trà Long và cầu Bầu Bàng. Quy mô xây dựng nền đường thiết kế rộng 12,75m, riêng đoạn hiện trạng qua Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được rộng 36m.
Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, dự án thi công đứt đoạn, không liền mạch trên toàn tuyến. Một số đoạn có thi công những nguồn lực về con người và thiết bị máy móc cũng không nhiều. Tại các điểm đã thi công phóng tuyến, tạo mặt bằng, lắp cống nước nhưng chưa hoàn thiện. Nhìn tổng thể công trường vẫn còn ngổn ngang.
Dự án chia làm 3 gói thầu, trong đó gói thầu đoạn QL1 xuống giáp đường ĐH5 đang thi công khoảng 600m, giải ngân mới được 7,5 tỷ/135,56 tỷ đồng; gói thầu đoạn tuyến nối QL 14H giải ngân được 20/173 tỷ đồng với một số hạng mục như cống ngang, ống cống, nền đường; gói thầu đoạn tuyến nối QL 14H, phân đoạn Km11+400-Km19+391 thực hiện được nhiều hạng mục liên quan đến nền đường, tấm ốp rãnh, tuyến cống… với giá trị 63/183,17 tỷ đồng.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam thừa nhận tiến độ thực hiện dự án chậm. Thời gian qua, dù đôn đốc đơn vị nhà thầu triển khai thực hiện nhưng khối lượng chưa được đảm bảo. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn các gói thầu đều vướng đền bù, GPMB. Một số đoạn dù có mặt bằng nhưng ngắn, thậm chí không có đường đi vào để tập kết vật liệu.
Dự án khó về đích
Dự án hiện đã bàn giao mặt bằng được khoảng 12km/23,1km. Mặt bằng còn lại vướng 6km đất rừng; 0,3km đất quốc phòng; đất nông nghiệp khoảng 2,5km và 3,3km đất ở.
Huyện Thăng Bình có 6 xã bị ảnh hưởng GPMB gồm Bình Giang, Bình Trung, Bình Tú, Bình Phục, Bình Triều và Bình Sa với tổng 771 hộ dân. Trong đó số hộ phải giải tỏa trắng là 42 hộ, nhu cầu bố trí tái định cư khoảng 67 lô. Dự án còn vướng khoảng 390 ngôi mộ.
Một vài điểm của dự án có đơn vị thi công nhưng không nhiều. Nhân công và máy móc tương đối thưa, khó đảm bảo khối lượng.
Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp dịch vụ huyện Thăng Bình cho biết đang tập trung nguồn lực giải quyết 4 khu tái định cư cho dự án.
Đối với Khu dân cư nông thôn mới tại thôn Hiền Lương, xã Bình Giang, đơn vị tư vấn đang triển khai đo đạc phục vụ GPMB; nhiệm vụ sắp tới là lập hồ sơ quy hoạch chi tiết trình thẩm định, thông qua đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Khu dân cư nông thôn mới tại thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, đơn vị tư vấn đang triển khai đo đạc phục vụ GPMB. Còn Khu dân cư phục vụ bố trí tái định cư tại xã Bình Trung đã có quyết định giá đất.
Liên quan đến khu tái định cư cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, UBND huyện Thăng Bình đã có Tờ trình số 340/TTr-UBND về việc đề nghị điều chỉnh ranh giới vào tháng 9/2024 tại lô F/F1. Sau khi làm việc với các hộ dân, UBND huyện cũng đã có Báo cáo số 664/BC-UBND ngày 15/10/2024 gửi Sở Công Thương để lấy kiến các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đối với nhóm đất rừng và đất quốc phòng, huyện Thăng Bình đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam để xin chủ trương đấu giá tài sản gỗ khai thác tận thu gỗ, củi rừng trồng trong phạm vi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án. Việc thu dọn cây cối sẽ thực hiện đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng xung quanh; khối lượng gỗ, củi sau khi thu dọn được tập kết, bảo quản không để thất thoát.
Hiện UBND huyện Thăng Bình đang tập trung đẩy nhanh GPMB cho giai đoạn cuối năm 2024. Nhưng với thực trạng vướng mắc như hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam thừa nhận dự án sẽ khó đảm bảo tiến độ.
Tấn Việt