Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 25 năm ngày đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024), 7 năm nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017-2024), một năm Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo đó, buổi gặp mặt với chủ đề “Những dấu ấn trên chặng đường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An”, nhằm nhìn lại quá trình quản lý, bảo vệ Đô thị cổ Hội An từ những ngày đầu gian khó đến khi được công nhận Di sản văn hóa thế giới và những thành tựu to lớn đạt được sau 25 năm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị sản.
Trong 25 năm qua, TP Hội An đã huy động được cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cộng đồng trong việc chăm lo, giữ gìn di sản. Từ năm 1999 đến 2019, thông qua ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ lên đến 167 tỷ đồng đã có 300 di tích nhà nước và tư nhân tập thể có xuống cấp nghiêm trọng được triển khai tu bổ; từ năm 2015 đến nay đã có gần 100 di tích khác do nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố bỏ ra 60% và nguồn đóng góp rất lớn không thể thống kê được từ người dân.
Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.
TP Hội An đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy hơn 50 nghề thủ công truyền thống, trong đó có 6 nghề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh nghệ thuật Bài chòi đã quá quen thuộc và được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; năm 2023, Lễ hội Tết Nguyên Tiêu và Lễ hội Tết Trung Thu ở Hội An được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt tháng 10/2023, TP Hội An đã chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Hoạt động tổ chức tham quan trong khu phố cổ: nếu trong năm 2000, Hội An có 192.420 lượt khách thì năm 2019 con số này là gần 5,7 triệu lượt; tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2023 đạt 7,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 3,8 triệu lượt, doanh thu du lịch 7.950 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 6,5 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 4,3 triệu lượt, doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2024 đạt 6.230 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam tặng hoa chúc mừng TP Hội An tại chương trình.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An cho biết, thực hiện định hướng chung của tỉnh Quảng Nam, quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố Hội An xác định 3 trụ cột là sinh thái, văn hóa và du lịch mang tầm vóc quốc gia, mang đặc thù về văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, du lịch; là thành phố đáng sống, chất lượng cao. Hội An là đô thị di sản thông minh kết nối với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước, tham gia mạng lưới thành phố di sản thông minh toàn cầu.
Một góc phố cổ Hội An.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa, kinh nghiệm, sáng tạo, sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị cùng với sự đồng hành, giúp đỡ, tham gia của các cấp, các ngành Trung ương, của cộng đồng yêu quý di sản trong và ngoài nước, Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị trong đời sống đương đại; góp phần xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030, hướng đến xác lập vai trò Hội An là động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của Khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực Châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới”.
Tấn Thành - Chí Đại