Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho biết, rừng phòng hộ Phú Ninh có diện tích đất lâm nghiệp là 11.255,45 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, trong đó diện tích có rừng là 10.671,05 ha (rừng tự nhiên 5.634,35 ha, rừng trồng 5.036,7 ha), đất không có rừng là 584,4 ha.
Trong tổng diện tích rừng trồng 5.036,7 ha có khoảng 700 ha là rừng trồng các chương trình, dự án, diện tích còn lại khoảng 4.300 ha là người dân đang xâm canh trái phép chủ yếu là trồng cây keo, ngoài ra còn có trồng bạch đàn, cây hàng năm, cây lâu năm khác.
Qua rà soát, BQLRPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho rằng, các năm qua chưa triển khai được công tác xử lý, giải quyết dứt điểm đối với trường hợp người dân xâm canh trên đất rừng phòng hộ Phú Ninh và cho đến nay đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, giao rừng theo đúng quy định của Nhà nước.
Khu vực tiểu khu 582, ở xã Tam Dân người dân trồng keo.
Việc xâm canh trái phép này diễn ra trong những năm trước. Hiện nay, tình trạng lấn chiếm đất cơ bản được kiểm soát, những vụ việc vi phạm hiện nay đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại khu vực tiểu khu 582, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có diện tích rừng hơn 2ha bị người dân phát quang bụi rậm để trồng cây keo. Tại khu vực này chỉ còn lại vài cây sao đen nằm trơ rọi giữa đồi núi.
Ông Võ Hùng Nhân, Giám đốc BQLRPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam cho biết: “Việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ Phú Ninh để trồng keo và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn xã Tam Dân và khu vực lân cận đã diễn ra nhiều năm qua. Tại tiểu khu 582, thì đơn vị đã phát hiện tình trạng xâm lấn đất rừng để trồng cây keo nên đã lập biên bản xử lý".
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Võ Hùng Nhân, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét, chốt chặn tại các điểm nóng về phá, lấn chiếm đất rừng, thực hiện ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương.
Đơn vị cũng đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để xử lý và sớm có quyết định giao đất, giao rừng để đơn vị có đầy đủ tư cách pháp nhân là chủ rừng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thu, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Nam cho hay, năm 2024, Hạt kiểm lâm Nam - Quảng Nam đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Phú Ninh tổ chức 22 đợt tuần tra, truy quét trên địa bàn, phát hiện xác lập hồ sơ 4 vụ vi phạm, trong đó 3 vụ hành chính và 1 vụ vi phạm hình sự về tội vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản với khối lượng 23,147m3 gỗ tròn bạch đàn trên rừng sản xuất, đến nay vụ việc đã khởi tố vụ án chuyển cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, đơm vị phối hợp với các ngành chức năng của huyện, BQLRPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam rà soát toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Tam Dân và các vùng giáp ranh, đề xuất xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
BQLRPH Phú Ninh và ven biển Quảng Nam tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Phú Ninh.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, thời gian qua, để ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, quản lý đất rừng trên địa bàn; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng xảy ra trên địa bàn; phối hợp kiểm tra ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về lâm nghiệp nói chung và hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng nói riêng.
Đồng thời, theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn, xử lý nghiêm việc lợi dụng chuyển mục đích sử dụng rừng để khai thác rừng, phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật.
Ngoài ra, các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, chỉ đạo các đơn vị quản lý rừng tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo đúng quy chế quản lý rừng, quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND cấp xã, các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn.
Hải Đường - Sơn Tùng