Quảng Nam phân cấp, phân quyền đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia

Quảng Nam phân cấp, phân quyền đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia
2 giờ trướcBài gốc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG tính đến cuối tháng 10 là hơn 2.382 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 2.267 tỷ đồng, vốn vay 115 tỷ đồng.
Tình hình phân bổ vốn ngân sách Trung ương là 1.886/1.984 tỷ đồng, đạt 95%. Trong đó vốn đầu tư khoảng 967/967 tỷ đồng, đạt 100%; vốn sự nghiệp là 964/1.017 tỷ đồng, đạt 95%.
Nhờ nguồn lực này, chương trình đã ghi nhận nhiều thành quả đáng chú ý như xây dựng 313 danh mục công trình các loại, bao gồm: 92 công trình giao thông, 53 trường học, 34 công trình nước sinh hoạt, 56 nhà sinh hoạt cộng đồng và 78 công trình khác. Ngoài ra, đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 735 lao động, hỗ trợ đất ở cho 350 hộ, thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho 512 hộ, ổn định dân cư cho 576 hộ.
Các công trình hạ tầng tại huyện miền núi Quảng Nam đã giúp người dân có điều kiện sống ổn định hơn. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng đã tạo thuận lợi cho giao thông, y tế, giáo dục, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về phát triển sản xuất, học nghề. Tỷ lệ giảm nghèo trong cộng đồng DTTS vượt mục tiêu đề ra: năm 2022 là 10,04% và năm 2023 là 9,72%, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 3%.
Nhiều nơi tại huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, khu tái định cư để người dân có được cuộc sống ổn định.
Theo đánh giá, chương trình MTQG đạt được những kết quả trên là nhờ cơ chế phân cấp quản lý đầu tư đã tạo điều kiện cho các huyện, xã chủ động thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm. Trình độ quản lý cấp cơ sở xã, thôn từng bước được nâng lên; đội ngũ cán bộ được tăng cường năng lực và chuẩn hóa, nhận thức của người dân có những thay đổi tích cực.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cần linh hoạt trong việc xây dựng và ban hành các chính sách thực hiện chương trình để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của các vùng, đồng thời ưu tiên lồng ghép vốn và huy động đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp để đồng hành cùng Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết việc áp dụng Luật Đấu thầu mới, có hiệu lực từ 1/1/2024, đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt tại các vùng xa. Quy trình đấu thầu cho các dự án trên 100 triệu đồng đòi hỏi nhiều thủ tục và phải hợp đồng với đơn vị tư vấn, nhưng chi phí thực hiện tại các địa bàn xa xôi thường không đủ để thuê đơn vị tư vấn, dẫn đến khó khăn trong giải ngân vốn sự nghiệp. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao càng ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng tại địa phương.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm và chỉ đạo để cải thiện đời sống người dân vùng núi cao.
Tỉnh Quảng Nam có 8 huyện với 70 xã thuộc vùng DTTS. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện cách thức tổ chức, quản lý như cơ chế phân cấp, hệ thống tổ chức, nhân lực, bộ máy, trang thiết bị, chế độ chính sách, nâng cao năng lực, truyền thông, thông tin, giám sát và đánh giá… Để chương trình triển khai hiệu quả, tỉnh cần bổ sung biên chế và kinh phí cho cơ quan thường trực, đồng thời xem xét chính sách quản lý vốn đặc thù cho các công trình duy tu, bảo dưỡng nhằm giúp các địa phương triển khai thuận lợi, kịp thời. Vì hiện nay việc triển khai thực hiện vốn này vẫn áp dụng cơ chế chung của vốn sự nghiệp, dẫn đến việc lập hồ sơ mời thầu rất khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, Quảng Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ đưa 10 xã và 10 thôn ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn, nâng thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 24,5 triệu đồng và giảm tỷ lệ nghèo trong cộng đồng DTTS thêm 9%.
Tấn Việt
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/quang-nam-phan-cap-phan-quyen-day-nhanh-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia.html