Quảng Nam tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Quảng Nam tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam.
Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị quyết số 111/2024/QH15) UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện điều chỉnh một số nội dung các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình; tổ chức phân cấp mạnh cho các địa phương quyết định cân đối nguồn, phê duyệt dự án, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Qua đó, tạo điều kiện cho các huyện, xã chủ động thực hiện nhiệm vụ kế hoạch hàng năm, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, trực tuyến với cơ quan chủ trì của Chương trình và các địa phương để đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình tại cơ sở.
Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án thường xuyên theo dõi, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tổ chức thực hiện đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách, dự án phải đồng bộ, kịp thời, hiệu quả đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng; vận dụng phù hợp với từng địa bàn.
Trong giai đoạn 2022 – 2024, tỉnh Quảng Nam được giao 2.382.638 triệu đồng tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 2.267.349 triệu đồng và vốn vay 115.290 triệu đồng. Đến nay, phân bổ vốn ngân sách Trung ương đã đạt 1.886.327 triệu đồng, tương đương 95%; trong đó vốn đầu tư: 967.041 triệu đồng (đạt 100%), vốn sự nghiệp: 964.987 triệu đồng (đạt 95%).
Nhằm đẩy nhanh tốc độ gải ngân vốn của Chương trình, HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện điều chỉnh dự toán nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình (Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 24/10/2024). Theo đó, thực hiện điều chỉnh giảm kinh phí của các Dự án 2, Dự án 3, Dự án 5, Dự án 9 với số tiền: 50.085.200.000 đồng từ nguồn kinh phí đang theo dõi, quản lý tại ngân sách tỉnh để bổ sung cho UBND huyện Phước Sơn: 50.000.000.000 đồng và huyện Tiên Phước: 85.200.000 đồng thực hiện Dự án 4.
Điều chỉnh kinh phí đã giao cho các sở, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện thực hiện các Tiểu dự án, Dự án số tiền: 14.498.200.000 đồng, trong đó: - Điều chỉnh giảm 894.400.000 đồng đã giao cho Sở Y tế thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3 để bổ sung cho Sở Công thương thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 3. - Điều chỉnh kinh phí 13.603.800.000 đồng đã giao cho Ủy ban nhân dân các huyện: Núi Thành và Đông Giang thực hiện: Tiểu dự án 1 - Dự án 3; Dự án 4; Tiểu dự án 2, Tiểu dự án 3, Tiểu dự án 4 - Dự án 5; Dự án 7; Tiểu dự án 2 - Dự án 9; Tiểu dự án 1, Tiều dự án 2 - Dự án 10. Nguồn kinh phí còn lại sau điều chỉnh giao về ngân sách tỉnh theo dõi, quản lý 57.553.800.000 đồng.
Từ nguồn lực của Chương trình, một số chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 9,7%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa: 98,81%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp: 99,%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 95%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 51,41%;… Dự kiến đến cuối năm 2025, cơ bản sẽ hoàn thành các mục tiêu các nội dung tiểu dự án, dự án Chương trình.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 313 danh mục công trình các loại; trong đó 92 công trình giao thông, 53 công trình trường học, 34 công trình nước sinh hoạt, 56 nhà sinh hoạt cộng đồng và 78 công trình khác; chuyển đổi nghề cho 735 lao động; hỗ trợ đất ở cho 350 hộ; thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho 512 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư cho 576 hộ.
Có thể nói, Chương trình đã tập trung giải quyết cơ bản các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, như: sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; nâng cao mức sống văn hóa, tinh thần, vật chất cho người dân; đẩy nhanh được tốc độ giảm nghèo… Đồng thời, có tác động không nhỏ đến nhận thức của đồng bào trong phát triển sản xuất, trong học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới, nâng cao ý thức gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân nỗ lực vươn lên.
Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS dưới 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu/năm; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; hoàn thành việc bố trí sắp xếp và ổn định dân cư gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 100% số hộ dân đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 65% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Quảng Nam dự kiến cần gấp đôi nguồn vốn hỗ trợ so với giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025, tương đương 4.025 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 3.500 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 1.500 tỷ đồng); ngân sách địa phương (đối ứng 15% ngân sách Trung ương): 525 tỷ đồng (vốn đầu tư: 300 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 225 tỷ đồng).
Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục theo dõi, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Tổ chức thực hiện đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách, dự án phải đồng bộ, kịp thời, hiệu quả đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng; vận dụng phù hợp với từng địa bàn; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm không dàn trải.
Việc xây dựng và ban hành các văn bản thực hiện Chương trình phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, tiểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; khi ban hành chính sách mới cần cân đối đủ nguồn vốn, nguồn lực để thực hiện chính sách tránh gây mất lòng tin trong Nhân dân. Ưu tiên và tăng cường công tác lồng ghép vốn; thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp để đồng hành cùng nguồn lực của Nhà nước để thực hiện hiệu quả Chương trình.
Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG các cấp, tập trung chỉ đạo đồng bộ, chủ động trong việc kiểm tra, rà soát, bố trí kế hoạch; thanh tra, giám sát, tổ chức thực hiện kế hoạch được giao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh, bổ sung, uốn nắn những sai lệch trong tổ chức thực hiện. Phân cấp mạnh cho cơ sở, đối với cấp huyện tiếp tục phân cấp về thẩm quyền trong việc thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật, đấu thầu, chỉ định thầu và thanh quyết toán nguồn vốn; đối với cấp xã, tập trung giao cho xã làm chủ đầu tư nhưng tăng cường công tác hướng dẫn, giúp đỡ; xác định mục tiêu chương trình phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng nhân dân nhưng cần tập trung vào một số mục tiêu chính, không dàn trải.
Thường xuyên tổ chức giao ban, trực báo hằng tháng, quý ở các cấp; qua đó kịp thời nắm thông tin để chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện hiệu quả từng tiểu dự án, dự án Chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, đồng thời biểu dương khen thưởng những mô hình tốt, gương điển hình của tập thể, cá nhân xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình.
Hải Yến
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/quang-nam-tap-trung-nguon-luc-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-59183.html