Ngày 26.4, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 31 để xem xét, quyết định đề án sáp nhập ĐVHC các cấp tỉnh Quảng Nam và các nội dung khác theo thẩm quyền.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua 13 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết quan trọng, thống nhất tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh kỳ họp
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết: Kỳ họp diễn ra vào thời điểm cả nước đang tập trung cao độ thực hiện công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bám sát định hướng của Trung ương và thực tiễn của tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tập trung xây dựng đề án, phương án sắp xếp với tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy định liên quan, đồng thời chú trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để bảo đảm sự đồng thuận trong xã hội.
Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU, Nghị quyết số 46-NQ/TU, Nghị quyết số 47-NQ/TU về sắp xếp, sáp nhập tổ chức đảng, đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Kỳ họp lần này sẽ nghe UBND tỉnh báo cáo chủ trương về sắp xếp tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam phát biểu
Sau khi xem xét, thảo luận, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã thông qua 13 nghị quyết trong đó có 2 nghị quyết thống nhất tán thành chủ trương sắp xếp đơn ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với cấp tỉnh, HĐND tỉnh tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để hình thành một đơn vị hành chính mới - thành phố Đà Nẵng, trực thuộc Trung ương. Trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Thành phố mới dự kiến có diện tích hơn 11.867 km2 và dân số trên 3 triệu người và có 94 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 23 phường, 70 xã và 1 đặc khu Hoàng Sa).
Xã đảo Tân Hiệp, Hội An được giữ nguyên sau sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã
HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã biểu quyết thông qua chủ trương sắp xếp 233 ĐVHC cấp xã còn 78 ĐVHC (11 phường, 67 xã). Việc sắp xếp này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương và phù hợp với các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
“Đây không chỉ là sự sắp xếp, thay đổi đơn thuần về cấp hành chính, đơn vị hành chính mà còn là bước đi mang tính lịch sử, tái cấu trúc không gian quản lý, tạo những động lực, tiềm năng mới, đưa chính quyền địa phương sát dân, gần dân hơn, đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kỳ họp HĐND lần này cũng xem xét, quyết định nhiều các chính sách có ý nghĩa quan trọng trên lĩnh vực như, tài chính - ngân sách; đầu tư công; quy hoạch - đất đai và nhiều lĩnh vực khác… tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời, thực hiện quy trình, thủ tục về công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương
Tại kỳ họp, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin về việc nắm bắt các ý kiến từ nhân dân liên quan đến đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng đơn vị hành chính cấp xã tại TP Hội An nên sắp xếp thành 1 phường, lấy tên là Hội An, không nên chia ra thành 3 phường, 1 xã như phương án sắp xếp.
Về vấn đề này, theo ông Dũng, hiện nay mô hình này triển khai trên nhiều địa phương, nhiều tỉnh thành phố trung tâm thành lập nhiều phường, rất ít nơi thành phố để lại một phường.
Theo chủ trương của trung ương là xã phải sát dân, gần dân, giải quyết được nguyện vọng chính đáng của dân. Nếu xã to quá thì không gần dân được. Hơn nữa, chủ trương của Trung ương là thành lập xã không được giữ mô hình như huyện. Hiện Quảng Nam làm đúng chủ trương của Trung ương, không thành lập xã mới giữ nguyên mô hình của huyện, và xã mới là để sát dân, gần dân, giải quyết được nguyện vọng chính đáng của dân.
Về phương án sắp xếp, sáp nhập hiện nay có ý kiến này ý kiến kia, tuy nhiên các nội dung liên quan triển khai từ cơ sở lên, từ HĐND cấp xã, HĐND cấp huyện và lấy ý kiến nhân dân. Tỷ lệ người dân đồng thuận rất cao, thấp nhất là 95%, đây là cơ sở xem xét.
Quảng Nam sắp xếp 233 ĐVHC cấp xã còn 78 ĐVHC
Về đề án sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, cơ bản cán bộ và nhân dân đồng tình cao.
Trong giai đoạn đầu, quan tâm đến việc giải chế độ hỗ trợ ban đầu cho cán bộ các nơi về làm việc tại trung tâm hành chính mới tại thành phố Đà Nẵng hiện nay, ít nhất hỗ trợ trong 3 năm đầu để cán bộ yên tâm công tác...
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Dũng đề nghị HĐND tỉnh Quảng Nam xem xét, thảo luận, đưa nội dung liên quan quy hoạch phát triển đô thị TP Tam Kỳ, huyện Núi Thành và vùng đông huyện Thăng Bình vào đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cần nghiên cứu tiếp tục quy hoạch đầu tư những đô thị này xứng tầm thành phố lớn sau này. Nếu lùi một bước thì trong này sẽ bị “teo” lại, tê liệt.
“Tôi đang lo nếu không quan tâm kịp thời thì TP Tam Kỳ trở lại thời kỳ 1997 (thời điểm chia tách Quảng Nam và TP Đà Nẵng), thì rất khó cho việc phát triển thành phố lớn sau này”, ông Dũng nhấn mạnh.
THU HOÀI