Xác định thu hút đầu tư là động lực chính tạo đột phá trong phát triển kinh tế và họi nhập quốc tế, thời gian qua, Quảng Nam đã đẩy, đồng bộ mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Kết quả thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đến nay, Quảng Nam đã thu hút 1.168 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 228 nghìn tỷ đồng và 201 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD.
Ông Lê Văn Dũng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam.
Hiện nay các dự án đầu tư tại Quảng Nam chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch và dịch vụ. Các dự án đầu tư FDI đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó về vốn đầu tư thì Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 08 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD; về số lượng dự án thì Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 59 dự án, tổng vốn đăng ký 949,4 triệu USD, đứng thứ hai là Trung Quốc với 45 dự án với tổng vốn đăng ký là 413,1 triệu USD, đứng thứ ba là Nhật Bản với 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 140 triệu USD.
Một số dự án đầu tư lớn vào tỉnh trong giai đoạn qua có thể kể đến như: Hoiana với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD; Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD; Công ty TNHH Groz Beckert Việt Nam (Đức), tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD; Công ty TNHH Panko Tam Thăng (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư 710 triệu USD; Thaco Chu Lai với tổng vốn đầu trên 40.000 tỷ đồng; Vinpearl Nam Hội An với tổng vốn đầu tư 4.800 tỷ đồng…
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm cơ sở thu hút đầu tư tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Nam đã tập trung cho công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh tiếp tục khẳng định quan điểm của chính quyền tỉnh về sự đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư với 2 thông điệp đó là: "Chính quyền đồng hành, chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp” và "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, sự thành công của nhà đầu tư là sự thành công của tỉnh Quảng Nam".
Có thể khẳng định rằng, những đổi mới trong công tác quản lý, điều hành liên quan đến phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thể hiện rõ nhất là “đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu” và “sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thực hiện một cách kịp thời, xuyên suốt từ cấp tỉnh xuống cấp cơ sở”.
UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức gặp mặt các Doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết: “Mục tiêu trong năm 2024-2025, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó tỉnh đã ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Nam bao gồm 58 dự án ưu tiên thu hút đầu tư và gần 180 dự án thu hút đầu tư. Chúng tôi hy vọng, đối với hơn 230 dự án thu hút đầu tư sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư mới và mở rộng đầu tư về Quảng Nam.”
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rông, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt; hình thành trung tâm chế biến dược liệu quốc gia, trung tâm công nghệ silica của khu vực miền Trung, trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Bên cạnh đó, Quảng Nam thu hút các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp công nghệ cao gắn với hành lang các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh và các tuyến tỉnh lộ thuận lợi; phát triển các cụm công nghiệp gắn với chế biến nông lâm sản, dược liệu, khoáng sản, vật liệu xây dựng tại khu vực miền núi; phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin có khả năng dẫn dắt làm chủ công nghệ, giải pháp phần mềm phục vụ kinh tế số, chính quyền số, đô thị thông minh.
Quảng Nam thu hút các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp công nghệ cao gắn với hành lang các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh và các tuyến tỉnh lộ thuận lợi.
Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, Quảng Nam định hướng lấy hai di sản văn hóa Thế giới làm trọng tâm lan tỏa phát triển du lịch thành “ngành kinh tế mũi nhọn”, nâng cao vị thế du lịch Quảng Nam trên thị trường quốc tế theo định hướng “du lịch xanh”, đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
Đối với lĩnh vực đô thị, Quảng Nam tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển bất động sản, đô thị, nhà ở quy mô lớn; phát triển các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, tiêu chí xanh theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, đô thị đại học gắn kết với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp của tỉnh.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu, Quảng Nam thu hút phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, an toàn, liên kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ bền vững gắn với mô hình sinh thái, đặc hữu thích ứng biến đổi khí hậu; các khu nông nghiệp công nghệ cao; các loại dược liệu dưới tán rừng và Sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao; hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia.
Đồng thời, tỉnh Quảng Nam ưu tiên thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistics, các khu phi thuế quan gắn với cảng biển, sân bay, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang; Bến du thuyền; Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối nông súc sản Miền Trung – Tây Nguyên với quy mô cấp vùng và phát triển mạnh dịch vụ vận tải đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không.
Cảnh Hưng - Chung Thắng