Quảng Ngãi đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Quảng Ngãi đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
2 giờ trướcBài gốc
Nhờ sự đầu tư của Chương trình, nhiều vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi được xây dựng khang trang (Nguồn: baodantoc.vn)
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; nhất là đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt; đặc biệt tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã có đồng bào DTTS sinh sống rà soát các hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất để triển khai chính sách giao đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ về nhà ở theo quy định.
Theo báo cáo ngày 25/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2024, tổng vốn đã phân bổ để thực hiện Chương trình là 1.812.173 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 1.625.655 triệu đồng; ngân sách địa phương: 186.518 triệu đồng). Tỉnh đã giải ngân: 892.314 triệu đồng, đạt 49,2% kế hoạch (ngân sách Trung ương 814.614 triệu đồng, đạt 50,1% kế hoạch; ngân sách địa phương 77.700 triệu đồng, đạt 41,6% kế hoạch).
Trong đó, tổng vốn đã phân bổ để thực hiện Dự án 1 là 234.193 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 210.213 triệu đồng; ngân sách địa phương: 23.980 triệu đồng).
Từ nguồn vốn Chương trình, tỉnh Quãng Ngãi đã thực hiện hỗ trợ nhà ở: 759 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề: 318 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 5.250 hộ; đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung: 48 công trình, tạo điều kiện cho 4.391 hộ được dùng nước sinh hoạt.
Đối với việc triển khai chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách, trong giai đoạn 2022 - 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân cho 1.011 hộ vay vốn với số tiền trên 40.340 tỷ đồng (thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở) và cho vay 101 hộ với số tiền 5.590 tỷ đồng (thực hiện nội dung chuyển đổi nghề). Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS: năm 2022 giảm 5,37%, năm 2023 giảm 6,01% (đạt và vượt so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao là giảm trên 3%/năm); năm 2024 dự kiến giảm 7%.
Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thực sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, cuộc sống của đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Đến nay, có 89% hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch; 100% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa; 95,5% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; 100% trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt; 76% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 99% đồng bào DTTS được xem tuyền hình và nghe đài phát thanh; 07 xã đạt tiêu chí nông thôn mới...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình, tiến độ thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn giai đoạn 2021 - 2024 còn thấp, đạt 49,2% (vốn đầu tư công đạt 75,8%, vốn sự nghiệp đạt 23,7%); ngân sách các huyện còn hạn chế, khó khăn nên việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách huyện để thực hiện Chương trình chưa đảm bảo theo quy định (hằng năm, đối ứng tối thiểu 5% ngân sách Trung ương).
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Chương trình, tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh hướng dẫn, theo dõi, đôn dốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Chương trình; huy động cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện Chương trình; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về Chương trình.
Tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình, đảm bảo quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn, giải ngân ở mức cao nhất (không đầu tư dàn trải, mà tập trung vào những dự án đem lại hiệu quả cho người dân, mang tính lan tỏa)...
Đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện 102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa ban hành công văn số 1559 - CV/TU (ngày 14/11/2024) về tăng cường thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh xem chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ cấp bách cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai nhanh chóng, hiệu quả, với tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều", phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2025. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 9.797 hộ (1.289 hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; 1.232 hộ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 3.320 hộ có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; 3.956 hộ thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát) cần hỗ trợ nhà ở. Trong đó, số hộ cần xây mới nhà ở là 6.254 hộ (mức hỗ trợ: 60 triệu đồng/nhà), số hộ cần sửa chữa nhà ở là 3.543 hộ (mức hỗ trợ: 30 triệu đồng/nhà).
Diễm Hồng
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/quang-ngai-day-manh-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-59241.html