Hết Quý I/2025, tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn duy trì tốt. Ngành Du lịch có sự tăng trưởng rõ rệt khi đón 440.000 lượt khách, tăng 36% so với cùng kỳ và doanh thu cũng tăng 40%. Hoạt động sản xuất công nghiệp trong Quý I của tỉnh Quảng Ngãi tăng 12,17% so với cùng kỳ. Phần lớn sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế 3 tháng qua. Một số sản phẩm có sản lượng tăng mạnh so với cùng kỳ gồm: lọc hóa dầu, sợi, giày da, dăm gỗ nguyên liệu giấy, điện sản xuất và điện thương phẩm, khí công nghiệp...
Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Quảng Ngãi tháng 3/2025
Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi nêu các giải pháp
Đến 31/3, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi đạt 8,07% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra là 8,32%. Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi phân tích: nguyên nhân chưa đạt do tốc độ tăng trưởng công nghiệp vẫn chưa đạt kế hoạch là 15%.
“GRDP của Quý I tăng không đạt kế hoạch 8,32% có nguyên nhân thép giảm 8,8% so với cùng kỳ, tức là giảm 123.000 tấn so với cùng kỳ. Nhìn chung trong Quý I vừa qua, có 13/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ và có 6 sản phẩm giảm so với cùng kỳ”, ông Võ Văn Rân cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Quảng Ngãi tháng 3/2025
Ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi
Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ngãi vẫn ở mức thấp. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh Quảng Ngãi hơn 5.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương 4.100 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương. Đến hết Quý I, tỉnh này mới giải ngân khoảng 387 tỷ đồng, bằng 7,3% kế hoạch vốn giao, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành trong cả nước. Một số dự án trọng điểm như Hoàng Sa - Dốc Sỏi, Dung Quất - Sa Huỳnh thi công ì ạch. 2 Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng nhưng thực hiện chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Nguyên nhân vướng mặt bằng là chậm hoàn thành xác định giá đất cụ thể, quy định về bồi thường, vướng mắc về tái định cư, các khoản hỗ trợ… nên chưa thể lập, hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt các phương án bồi thường.
Ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư các dự án này cho biết: “Phương án bồi thường đất nông nghiệp hiện giờ một số địa phương đã phê duyệt ở cuối tháng 3. Và duyệt đến đâu thì chuyển tiền cho Trung tâm phát triển quỹ đất để chi trả tiền cho dân. Trong tháng 4, một số phần đất nông nghiệp bà con nhận tiền. Cũng rất mong các địa phương lập phương án bồi thường, chỉ đạo thẩm định nhanh thì mới có mặt bằng thi công mùa nắng này. Có phương án đến đâu thì chúng tôi tiếp cận mặt bằng thi công đến đó thì mới có khối lượng giải ngân được”.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Quý I/2025, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi khá ấn tượng. Từ chỉ số công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, thu ngân sách… đều tốt. Nốt trầm của bức tranh kinh tế là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch.
Ông Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu các địa phương, đơn vị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm: “Phải coi đầu tư công và thúc đẩy đầu tư công là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong Quý II và cả năm 2025. Tập trung cao độ gắn với việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết các dự án trọng điểm trên địa bàn. Cả tỉnh tập trung vừa giải quyết dự án trọng điểm thúc đẩy nhanh, đồng thời chỉ số đầu tư công tăng lên và gắn với đánh giá cán bộ, phải gắn với trách nhiệm và đánh giá cán bộ trong sắp xếp tới, những ai không làm được sẽ có điều chỉnh”.
Thành Long/VOV- Miền Trung