Nghề làm muối ở Sa Huỳnh đã được hình thành từ lâu, khi những diêm dân từ Nghệ An, Thanh Hóa di cư vào nam. Ở thời Nguyễn, các đời vua Đồng Khánh, làng sản xuất muối ở Quảng Ngãi, đã được ghi danh trên bản đồ Đồng Khánh địa dư chí. Tại đây, diêm dân Sa Huỳnh đã thực hiện sản xuất muối theo phương pháp thủ công truyền thống từ xa xưa. Cụ thể, các diêm dân sẽ phơi nước phân tán để muối kết tinh trên nền đất truyền thống (dùng ánh nắng mặt trời và gió làm bốc hơi trên những cánh đồng muối). Mùa làm muối thường bắt đầu vào tháng giêng âm lịch kéo dài đến tháng 7 âm lịch hàng năm.
Cánh đồng muối Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi.
Đồng muối Sa Huỳnh có tổng diện tích hơn 100 ha với hơn 560 hộ diêm dân thuộc 3 tổ dân phố Tân Diêm, Long Thạnh 1, Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh cùng nhau sản xuất muối. Hàng năm, đồng muối Sa Huỳnh cung cấp khoảng 6500 - 7000 tấn muối.
Theo đó, Sở VHTT&DL đã ban hành quyết định số 3983/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghề làm muối Sa Huỳnh là DSVH phi vật thể quốc gia. Do đó, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình sẽ thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về DSVH.
Nghề làm muối ở Sa Huỳnh là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Quảng Ngãi. Nghề có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng - địa phương, trao truyền qua nhiều thế hệ và được cộng đồng người dân Sa Huỳnh tự nguyện cam kết bảo vệ.
Phúc Nguyên