Nhiều vườn sâm 3-5 tuổi bị hư hại do cây đổ.
Sau mưa lớn và hoàn lưu bão, nhiều vườn sâm Ngọc Linh của bà con Xơ Đăng ở xã Măng Ri bị gãy trụi, hư hại. Một số khoảnh sâm trồng dưới tán rừng được che bạt, giăng dây bảo vệ bị nhánh, cây rừng gãy, đổ làm dập nát nhiều cây sâm từ 3-5 tuổi.
Tại một số vườn sâm Ngọc Linh khác, gió lốc đánh gãy cây rừng lớn đổ rạp xuống khu vực trồng sâm, nằm ngổng ngang trên các luống sâm. Hầu hết cây trồng, hoa và hạt sâm dập, gãy không thể phục hồi. “Mỗi hạt sâm 100 nghìn đồng, cây giống từ 300-500 nghìn đồng mỗi cây. Cây sâm Ngọc Linh trồng lâu, tiền mua hạt, thuê người chăm nhiều năm nên chi phí rất lớn. Khi mưa bão bị hư hại, thiệt hại cũng nhiều hơn”, bà Y.L cho biết.
Cây rừng lớn ngã trên khoảnh sâm Ngọc Linh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Tuy kiểm tra thực tế.
Theo thống kê của xã Măng Ri, hơn 4.460 cây sâm Ngọc Linh bị thiệt hại; trong đó 4.200 gốc sâm trồng từ 1-5 tuổi, hơn 260 gốc sâm trên 5 năm tuổi. Tổng thiệt hại ban đầu của người dân trồng sâm hơn 2 tỷ đồng. Hiện chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng, nguồn lực để hỗ trợ bà con dọn dẹp cây cối gãy, đổ sau mưa bão.
Cây rừng lớn ngã đổ làm hư hại nhiều cây sâm trồng lâu năm.
“Đối với hư hại nhà cửa của bà con thì chúng tôi khắc phục nhanh để ổn định nơi ở. Thiệt hại của người trồng sâm thì nặng và khó khắc phục hơn. Cũng như các ngành nông nghiệp khác khi thiệt hại mưa bão, xã kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho bà con phục hồi, trồng mới cây trồng dược liệu này”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Măng Ri, Phạm Xuân Quang cho biết.
Chi phí đầu tư cao, thiệt hại của người trồng sâm nhiều hơn sau mưa bão.
Xã Măng Ri có hơn 530 hộ, gần 2.000 người, chủ yếu của đồng bào Xơ Đăng. Toàn xã có hơn 3.700 ha cây dược liệu; trong đó, sâm Ngọc Linh gần 2.620 ha, cây Đẳng Sâm và cây dược liệu khác 1.100 ha. Mưa bão hàng năm thường gây thiệt hại cho người dân trồng dược liệu lâu năm khi chi phí đầu tư lớn. Để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, nhất là các cây trồng có giá trị kinh tế cao cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do thiên tai.
Trước tình hình thiệt hại của người dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Tuy kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục. Đồng chí Nguyễn Đức Tuy yêu cầu chính quyền địa phương nhanh chóng cử lực lượng giúp dân thu dọn cây gãy, đổ tại các vườn sâm; huy động nguồn lực để hỗ trợ cây giống giúp dân khôi phục diện tích hư hại. Bên cạnh đó, tổng hợp thiệt hại báo cáo tỉnh Quảng Ngãi để có giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân phát triển vùng trồng dược liệu tốt hơn nữa.
Luống sâm Ngọc Linh bị gãy sau mưa lớn.
Là thủ phủ sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Ngãi, vùng dược liệu này kỳ vọng giúp bà con vùng núi Ngọc Linh có cuộc sống tốt hơn.
Trước đó, hoàn lưu bão số 3 đã làm 44 hộ xã Măng Ri tốc mái tôn, 6 công trình bị hư hỏng với tổng thiệt hại hơn 3 tỷ đồng; sạt lở đường từ Quốc lộ 40B qua địa bàn xã, Tỉnh lộ 672 đoạn km 64 gây khó khăn cho việc lưu thông đi lại của người dân.
ĐÔNG HUYỀN