Hoàn thành những dự án giao thông trọng điểm
Ngày 15/7, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong những năm qua có sự góp sức rất lớn từ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là yếu tố quyết định, then chốt.
Càu Trà Khúc 3, công trình giao thông trọng điểm được tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
"Nay nhập hai tỉnh tỉnh thành tỉnh Quảng Ngãi mới, dẫu có khó khăn do cách trở về địa lý, song tôi tin tưởng ý chí, nghị lực và quyết tâm cao nhất, chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đặt ra của 6 tháng cuối nhiệm kỳ, từ đó có bước chuyển mình trong nhiệm kỳ mới", ông Giang nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các chủ đầu tư, địa phương bắt tay ngay thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn thành dứt điểm những dự án giao thông trọng điểm đang triển khai.
Hiện, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xây dựng nhiều dự án giao thông lớn, có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi có vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng; dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh gần 2.200 tỷ đồng; dự án đường Thạch Bích - Tịnh Phong khoảng 700 tỷ đồng...
Phần lớn công trình đang được đầu tư dang dở, một số chỉ thực hiện các hạng mục cầu, cống. Riêng phần nền đường "đứng bánh" vì chưa thực hiện được công tác bồi thường, GPMB, ảnh hưởng lớn tiến độ xây lắp, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ đạo tại kỳ họp, ông Giang yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt công tác bồi thường, GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra. Không để mặt bằng, các vướng mắc nhỏ ảnh hưởng tiến độ chung, đặc biệt là dự án, công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2025 - 2030, chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh và các dự án trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, một trong số nhiều dự án giao thông trọng điểm được Quảng Ngãi ưu tiên hoàn thành thời gian tới.
Trong số này, tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn công trình cầu vòm sắt bắc qua sông Trà Khúc làm công trình gắn biển chào mừng Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI.
Công trình cầu Trà Khúc 3 có vốn đầu tư 850 tỷ đồng, bắc qua sông Trà Khúc, nối hai xã Nghĩa Giang và Sơn Tịnh.
Công trình giao thông dài hơn 2.500m, trong đó phần cầu dài hơn 700m được thiết kế vòm sắt sơn màu đỏ tạo điểm nhấn nổi bật về kiến trúc, thẩm mỹ của công trình nơi miền quê Quảng Ngãi.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Giang đề nghị cấp thẩm quyền tích cực vào cuộc, giải quyết dứt điểm những hạng mục, đầu việc còn lại của dự án, đảm bảo thông xe kỹ thuật, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đúng thời gian.
Ngoài ra, để chào đón sự kiện kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, tỉnh Quảng Ngãi đang chuẩn bị thật kỹ các điều kiện, yêu cầu để đảm bảo khởi công dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb (đoạn Km76+230 - Km82+00). Đây là đoạn tuyến cuối cùng trên toàn bộ tuyến đường ven biển nối Quảng Ngãi với Gia Lai.
Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông miền núi, vùng biên giới
Với tinh thần phát triển nhưng "không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh Quảng Ngãi ngoài tập trung mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng vào khu vực các đô thị, khu công nghiệp, còn bàn thảo, ưu tiên phân bổ đảm bảo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương miền núi. Trong đó, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm các xã với vùng sản xuất, khu dân cư xa xôi.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu trong giai đoạn tới, quá trình phân bổ nguồn lực đầu tư phải rất lưu ý đến miền ngược; tập trung đầu tư trang thiết bị y tế, giáo dục cho các địa phương ở vùng sâu, xa; đặc biệt là hạ tầng giao thông và công tác định canh, định cư.
"Muốn cuộc sống người dân vùng sâu, vùng xa ổn định, giàu có, trước hết hạ tầng giao thông phải đi trước. Đầu tư đường đến vùng sản xuất thì phương tiện giao thông đi lại thuận lợi, từ đó giá nông lâm sản sẽ tăng lên, người dân có thu nhập ổn định.
Quảng Ngãi sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông miền núi, nhất là những xã thuộc tỉnh Kon Tum cũ.
Tỉnh có đường biên giới với hai nước Lào và Campuchia hơn 200km, phần lớn người dân sống ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, còn nghèo khó. Vì thế, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. Một khi giao thông đi lại thuận lợi, đời sống kinh tế - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh sẽ được giữ vững", ông Giang lưu ý.
Gợi mở hướng phát triển nơi miền ngược, ông Giang cho rằng, việc đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông ngoài phát triển nông nghiệp sẽ mở ra cánh cửa trong phát triển du lịch, khám phá, du lịch cộng đồng gắn với phát triển các sản phẩm đặc thù, có tiềm năng, lợi thế theo vùng, miền như Sâm Ngọc Linh, dược liệu quý đặc hữu, cây ăn quả, cây công nghiệp… Đặc biệt, tỉnh có khu du lịch quốc gia Măng Đen, cửa ngõ khai phá phát triển kinh tế nơi vùng khó.
Thông qua nghị quyết hỗ trợ đi lại, nơi ở cho cán bộ
Cũng tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Ngãi biểu quyết thông qua nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho cán bộ các xã thuộc tỉnh Kon Tum cũ trong quá trình đi lại, thuê nhà ở khi đến trung tâm tỉnh làm việc. Cụ thể, mức hỗ trợ điều kiện đi lại và làm việc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện áp dụng được hỗ trợ điều kiện đi lại và làm việc là 3 triệu đồng/người/tháng.
Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được hỗ trợ thuê nhà trong thời gian chờ bố trí nhà ở công vụ sẽ hỗ trợ điều kiện đi lại và làm việc với mức 1,6 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp không tiếp tục hưởng chính sách bố trí nhà ở công vụ và chính sách hỗ trợ thuê nhà trong thời gian chờ bố trí nhà ở công vụ thì được hưởng chính sách hỗ trợ điều kiện đi lại và làm việc với mức 3 triệu đồng/người/tháng đến ngày 1/7/2027.
Thời gian hưởng chính sách bố trí nhà ở công vụ bắt đầu từ ngày 1/9/2025 cho đến khi không còn thuộc diện bố trí. Chính sách hỗ trợ đi lại và làm việc được áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến 1/7/2027.
Tổng số trường hợp được đề nghị hỗ trợ là 1.520 người, gồm khối chính quyền 1.176 người, khối đảng 330 người và khối hội 14 người.
Lê Đức