Quảng Ngãi: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' hạ tầng, khơi thông động lực phát triển cho các đơn vị 'đầu tàu kinh tế'

Quảng Ngãi: Tháo gỡ 'điểm nghẽn' hạ tầng, khơi thông động lực phát triển cho các đơn vị 'đầu tàu kinh tế'
9 giờ trướcBài gốc
Động lực phát triển mới
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong những giai đoạn tiếp theo. Trong số đó, có thể kể đến các dự án quy mô lớn như: tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, kè bờ Bắc sông Trà Khúc, cầu Trà Khúc 1 và 3, đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc… Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (Ban QLDA ĐTXD), hiện có 10 dự án được chọn là dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có 1 dự án trọng điểm quốc gia, 8 dự án chuyển tiếp và 1 dự án khởi công mới năm 2025.
Việc tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm sẽ góp phần tạo động lực phát triển mới cho Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Được biết, trong số các dự án trọng điểm của tỉnh, tiểu dự án bồi thường tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB); dự án cầu Trà Khúc 3 cũng hoàn tất GPMB, đã thực hiện hơn 95% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2025, nhiều dự án vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nhiều dự án vẫn “dậm chân tại chỗ“ do ảnh hưởng bởi công tác GPMB, hồ sơ pháp lý...
Trong số các dự án lớn, 3 dự án trọng điểm được xác định góp phần thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất (KKT Dung Quất) và các khu công nghiệp trên địa bàn, gồm: tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa; tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIb và tuyến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.
Được mệnh danh là “trái tim công nghiệp” của tỉnh Quảng Ngãi, KKT Dung Quất đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ. Những tuyến đường ven biển như Dung Quất - Sa Huỳnh và trục Hoàng Sa - Dốc Sỏi sau khi hoàn thành sẽ mở ra những cửa ngõ chiến lược, kết nối khu kinh tế với cảng biển, sân bay Chu Lai và các khu công nghiệp trong vùng. Những cung đường mới không chỉ góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho Quốc lộ 1A, mà còn nâng cao sức hấp dẫn đầu tư, mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều dự án công nghiệp, logistics, dịch vụ...
Không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế, những tuyến đường ven biển mới còn mở ra kỳ vọng phát triển đồng đều cho toàn tỉnh Quảng Ngãi. Từ trung tâm thành phố tới các xã ven biển như An Phú, Tịnh Khê, Vạn Tường…, các tuyến đường đều sẽ được kết nối thông suốt. Những bãi biển như giàu tiềm năng như Mỹ Khê, Sa Huỳnh sẽ dễ tiếp cận hơn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Với hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại, Quảng Ngãi đứng trước cơ hội vươn lên trở thành trung tâm phát triển năng động, không chỉ về công nghiệp mà còn trong các lĩnh vực thế mạnh như du lịch và dịch vụ ven biển.
Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh gặp nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB khiến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng kế hoạch đề ra. (Ảnh: Viên Nguyễn)
Đặc biệt, việc hoàn thành các dự án trọng điểm còn góp phần tạo động lực phát triển mới cho các đơn vị “đầu tàu kinh tế“ tại KKT Dung Quất. Với những doanh nghiệp lớn làm nên thương hiệu của KKT Dung Quất như: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina), Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Cơ khí Dầu khí Dung Quất (PVSM)...
Mỗi năm, thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2024, tỉnh đứng thứ 18 toàn quốc về thu ngân sách, với gần 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng BSR và Hòa Phát Dung Quất đóng góp hơn 20 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh.
Do đó, tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, IIb, cùng trục Hoàng Sa - Dốc Sỏi được ví như những "mạch máu" giao thông mới, giúp hàng triệu tấn nguyên liệu và sản phẩm của BSR lưu thông nhanh chóng, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh. Với Hòa Phát Dung Quất, khi tuyến đường được hoàn thiện sẽ kết nối khu liên hợp gang thép khổng lồ của doanh nghiệp với cảng biển và các vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn xe vận tải nặng lưu thông an toàn, ổn định. Với PVSM - “xưởng cơ khí” thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng đến các công trình, đồng thời nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cơ khí, đóng mới, sửa chữa cho các dự án trong khu vực.
Cần sớm tháo gỡ “điểm nghẽn
Theo thông tin từ Ban QLDA ĐTXD, việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm chậm tiến độ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB. Đối với dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, công tác bồi thường, GPMB các tuyến chính gặp nhiều vướng mắc do tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án của các cơ quan, địa phương còn chậm, chưa đảm bảo diện tích theo kế hoạch và chất lượng. Đồng thời, quá trình thẩm định, trình phê duyệt phương án bồi thường còn kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ bàn giao mặt bằng.
Đối với việc thi công, việc tiến độ bị ảnh hưởng do diện tích mặt bằng bàn giao còn thấp, chưa liền mạch khiến việc triển khai chỉ có thể thực hiện tại các vị trí cầu, cống ngang, các cấu kiện đúc sẵn, đúc dầm cầu… Bên cạnh đó, nguồn cung vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, cũng đang là một trở ngại khi các mỏ vật liệu chưa được cấp phép khai thác, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Hạng mục công trình cầu tại dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đang được tập trung thi công. Ngoài các hạng mục cầu, cống... các hạng mục khác chưa thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện do vướng mắc trong công tác GPMB.
Công tác bồi thường, GPMB của dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa (thành phần 1) cũng gặp nhiều khó khăn do tiến độ trình thẩm định, phê duyệt phương án tái định cư còn chậm. Đây cũng là vướng mắc lớn trong quá trình triển khai dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIb. Với dự án này, từ năm 2024 đến nay, chưa có phương án bồi thường nào được phê duyệt, do đó, dự án tiếp tục “ì ạch” trong triển khai thực hiện.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các dự án hạ tầng “huyết mạch”, Ban QLDA ĐTXD đã có nhiều kiến nghị, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Chủ đầu tư các dự án trọng điểm kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, các sở, ngành liên quan quyết liệt đốc thúc công tác bồi thường, GPMB. Trong đó, các địa phương liên quan cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý, phê duyệt phương án bồi thường theo đúng tiến độ. Đối với các vướng mắc phát sinh trong công tác triển khai, các địa phương cần phối hợp cùng Ban QLDA ĐTXD tỉnh để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành công tác GPMB trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, chậm nhất là cuối năm 2025.
Việc sớm hoàn thiện các dự án trọng điểm sẽ góp phần tạo động lực mới cho các đơn vị "đầu tàu kinh tế" bứt phá, đóng góp quan trọng vào sự vươn mình của tỉnh Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt giá đất để làm cơ sở bồi thường cho người dân; tăng cường nhân lực để thực hiện công tác thẩm định giá đất; sớm tổ chức vận động, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận đối với người dân, xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đặc biệt, chủ đầu tư các dự án trọng điểm cũng kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ để đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát, vật liệu san lấp, nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu cho công tác thi công.
Các dự án trọng điểm được xem là động lực mới thúc đẩy sự vươn mình của tỉnh Quảng Ngãi. Khi những điểm nghẽn được tháo gỡ, các dự án sẽ tiếp tục được thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi trong giai đoạn mới. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp "đầu tàu" như BSR, Hòa Phát Dung Quất, PVSM… tận dụng lợi thế, phát triển tối đa năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách, tạo việc làm và thúc đẩy an sinh xã hội của KKT Dung Quất nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Phúc Nguyên
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/quang-ngai-thao-go-diem-nghen-ha-tang-khoi-thong-dong-luc-phat-trien-cho-cac-don-vi-dau-tau-kinh-te-730047.html