Quảng Ninh: Các hộ dân được giao trên 6.000 ha mặt biển để khôi phục nuôi trồng thủy sản

Quảng Ninh: Các hộ dân được giao trên 6.000 ha mặt biển để khôi phục nuôi trồng thủy sản
4 giờ trướcBài gốc
Giao mặt biển, hỗ trợ toàn diện sau bão
Bão Yagi đi qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành thủy sản của Vân Đồn. Ước tính có khoảng 1.200 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, 130 tàu bị chìm và hơn 32.000 tấn thủy sản sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng, gây thiệt hại kinh tế lên đến 2.280 tỷ đồng.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, huyện Vân Đồn đã có những giải pháp kịp thời và hiệu quả. Ngay sau khi bão đi qua, huyện đã bàn giao trên 6.000 ha mặt biển cho khoảng 1.000 hộ dân có nhu cầu tái thiết sản xuất. Hiện toàn huyện đã có 50% số lồng bè nuôi cá được khôi phục và 300 ha hàu mới được xuống giống. Các hộ dân nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật để nhanh chóng khôi phục lại các lồng bè nuôi cá và các khu vực nuôi trồng thủy sản khác. Bên cạnh đó, huyện đã có kế hoạch giao thêm 7.000 ha mặt nước biển cho các hợp tác xã và hơn 1.000 hộ dân khác nhằm mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Việc giao mặt nước nuôi trồng thủy sản là một phần trong kế hoạch quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2018. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Anh Nguyễn Văn Mạnh, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn chia sẻ: "Quyết định giao mặt biển cũng giống như giao sổ đỏ trên đất liền, chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư và vay vốn phát triển nuôi trồng thủy sản".
Thị xã Quảng Yên cũng không nằm ngoài nỗ lực chung. Đến nay, Quảng Yên đã bàn giao 0,6 ha mặt nước cho 164 hộ dân, đi kèm với vị trí và sơ đồ cụ thể. Dự kiến đến giữa tháng 11, thị xã sẽ hoàn thành việc giao đất cho hơn 400 hộ dân với tổng diện tích 865 ha mặt nước thuộc khu vực cấp huyện quản lý.
Việc giao đất cụ thể, rõ ràng không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để họ tiếp cận các nguồn vốn vay, hỗ trợ khác.
Tập trung hỗ trợ tái sản xuất cho ngành thủy sản
Việc giao mặt nước nuôi trồng thủy sản là một phần trong kế hoạch quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2018, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, quá trình phục hồi vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân cần phải đối mặt với những thách thức do nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư mua sắm thiết bị, giống và vật tư. Một số hộ dân còn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, đe dọa đến sản xuất thủy sản.
Vì thế, sau bão Yagi, các huyện thị ven biển Quảng Ninh đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, bàn giao mặt nước cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh đã quy hoạch hơn 45.240 ha vùng biển của 9 đơn vị cấp huyện dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Ngành thủy sản với đóng góp 50% vào cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, đang là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi cơn bão Yagi đi qua. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành này đối với kinh tế địa phương, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Ông Cao Tường Huy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đồng hành, triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong việc tái sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề. Các tổ chức tín dụng được yêu cầu khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất và ưu tiên cho vay mới đối với các đối tượng này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ về giống, vật tư, kỹ thuật để giúp người dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.
Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, ngành thủy sản Quảng Ninh đang dần phục hồi và có những tín hiệu tích cực. Việc giao mặt nước đã tạo động lực cho người dân tái đầu tư, mở rộng sản xuất, góp phần phục hồi kinh tế của huyện Vân Đồn. Đồng thời, đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy sự quyết tâm của địa phương trong việc ứng phó với thiên tai và phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng và các hộ dân nuôi trồng thủy sản.
Nguyễn Thanh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/quang-ninh-cac-ho-dan-duoc-giao-tren-6000-ha-mat-bien-de-khoi-phuc-nuoi-trong-thuy-san-355277.html