Cứ mưa to là sạt lở
Tuyến đường nối trung tâm TP. Uông Bí với xã Thượng Yên Công dài gần 10km, có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh và địa phương. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Uông Bí làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 12/2018 và hoàn thành tháng 5/2020.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cứ mỗi khi mưa to kéo dài, trên tuyến đường đoạn qua thôn Miếu Bòng (xã Thượng Yên Công) thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất đá từ mái taluy trôi xuống lấp kín mặt đường, khiến người dân và phương tiện qua lại gặp rất nhiều khó khăn, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tuyến đường nối từ xã Thượng Yên Công (đoạn qua thôn Miếu Bòng) với trung tâm TP. Uông Bí cứ vào mùa mưa to là bị sạt lở, gây ách tắc cục bộ
Trong trận bão số 3 (Yagi) vừa qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, mái taluy hai bên đường cao hàng chục mét, độ dốc lớn, trong khi nền đất yếu nên đất đá gặp mưa to là sạt trượt trôi xuống lấp kín mặt đường.
Cùng với đó, hệ thống thoát nước qua đây bị đất đá vùi lấp, thậm chí nước chảy âm dưới mặt đường. Với lưu lượng phương tiện qua lại, nhất là xe có trọng tải lớn, dễ gây ra tình trạng mặt đường bê tông bị bẻ gãy.
Ông Hoàng Văn Điền (thôn Nam Mẫu 2, xã Thượng Yên Công) cho biết, trận bão số 3 vừa qua, mưa to nên đất đá sạt lở trôi xuống lấp kín mặt đường. Mặc dù chính quyền đã huy động máy xúc dọn đất đá để người dân qua lại, tuy nhiên rãnh thoát nước hai bên đường vẫn bị đất đá vùi lấp, khiến nước chảy tràn lên mặt đường, nguy cơ sụt, gãy mặt đường rất cao.
"Đến nay đã nhiều tháng trôi qua, rãnh nước hai bên đường vẫn bị vùi lấp, nước chảy từ dưới mặt đường, trong khi taluy hai bên đường vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt. Mong các cấp chính quyền xử lý những điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, cũng như mở rộng mặt đường, xây kè kiên cố để bảo vệ ta luy", ông Điền nói.
Rãnh thoát nước hai bên tuyến đường Khe Giang, xã Thượng Yên Công bị đất đá vùi lấp nhiều tháng qua nhưng chưa được xử lý
Ông Nguyễn Năm Năng, Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công chia sẻ, nhiều năm qua, nhân dân ở địa phương đã nhiều lần kiến nghị xử lý những điểm sạt trượt, cũng như mở rộng mặt đường để phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn, nhưng hiện nay do vướng mắc về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nên việc xử lý điểm sạt trượt tại thôn Miếu Bòng vẫn chưa được triển khai.
Loay hoay xử lý
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Giao thông vận tải, dự án đường nối trung tâm TP. Uông Bí (Quảng Ninh) với xã Thượng Yên Công dài gần 10km, có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh và địa phương. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Uông Bí làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 12/2018 và hoàn thành tháng 5/2020.
Ông Nguyễn Năm Năng cho biết, đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch kết nối xã với trung tâm TP. Uông Bí. Tuy nhiên, sau gần 5 năm đưa vào sử dụng đến nay, tại điểm Km4+342 - Km4+693 (đoạn qua thôn Miếu Bòng, xã Thượng Yên Công) thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở vào mùa mưa bão, gây ảnh hưởng đến người dân và phương tiện lưu thông qua đây. Mỗi lần như vậy, địa phương đều phải huy động xã hội hóa để xúc, dọn, vận chuyển đất đá để người dân đi lại.
Đất đá sạt lở, nước chảy dưới mặt đường bê tông tiềm ẩn nguy cơ gãy, nứt mặt đường tại tuyến đường Khe Giang
Một vị lãnh đạo TP. Uông Bí cho biết, hiện Thành phố đã bố trí kinh phí để triển khai công trình xử lý điểm sạt trượt tuyến đường vận chuyển rác vào nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang, với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng. Năm 2024, Thành phố bố trí kế hoạch vốn là 7 tỷ đồng. Khi các phương án được thông qua, địa phương sẽ tiến hành xử lý, khắc phục điểm sạt lở này, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Được biết, mới đây, tại kỳ họp giữa năm 2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác trên địa bàn, trong đó có 0,658ha đất rừng để xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường này.
Để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trên tuyến đường 80 tỷ đồng này, chính quyền TP. Uông Bí cần sớm hoàn thiện các thủ tục về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công, để người dân và phương tiện lưu thông được dễ dàng, thuận tiện.
Phạm Hoạch