Trong sáng nay, các xã, phường, đặc khu đồng loạt tổ chức hội nghị ban thường vụ cấp ủy, hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp xã để ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Đồng thời, tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã để triển khai thực hiện một số nội dung công việc theo thẩm quyền; trong đó có thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2025.
Ngay sau khi tổ chức các hội nghị, kỳ họp, toàn bộ 54 xã, phường, đặc khu sẽ bắt tay ngay vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo không có độ trễ trong điều hành, không có khoảng trống trong quản lý, không để bất cứ nhiệm vụ nào bị ngắt quãng, không để bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng.
Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị nhà nước hiện đại ở Việt Nam. Với việc bỏ cấp huyện, mô hình mới mở ra một thời kỳ mới trong điều hành và tổ chức bộ máy nhà nước – tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và gần dân hơn. Đằng sau quyết định mang tính lịch sử này là một tầm nhìn cải cách mạnh mẽ, một khát vọng kiến tạo nền hành chính phục vụ và một niềm tin rằng cải cách thể chế là đòn bẩy chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững.
Quảng Ninh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Đến hiện tại, toàn tỉnh đã hoàn thành phương án sáp nhập từ 171 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 54 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 2 đặc khu), với tỷ lệ cử tri đồng thuận đạt trên 99%. Đây là minh chứng rõ nét về sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân đối với “cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Ngày 16/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 1679/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập 52 xã, phường và 2 đặc khu thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Quảng Ninh cũng xác định sẽ triển khai mô hình chính quyền 2 cấp mới đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị phát triển bền vững địa phương dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo xuyên suốt. Đây cũng là quyết tâm của Quảng Ninh trước thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc - khi cả nước chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố.
Trước vận hội mới, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; giữ vững kỷ cương, phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước từ tỉnh đến xã, phường, đặc khu, trở thành hình mẫu trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hiện đại, gần dân, sát dân và vì dân.
Vĩnh Quân