Quảng Ninh: Chủ động tu bổ hệ thống đê điều trước mùa mưa bão

Quảng Ninh: Chủ động tu bổ hệ thống đê điều trước mùa mưa bão
10 giờ trướcBài gốc
Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực Quảng Ninh đến năm 2050: Lượng mưa năm có xu thế tăng ở mức 10 - 30%, mực nước biển dâng từ 22 - 26cm (so với năm 2010), đây là một trong những thách thức của Quảng Ninh.
Trước thực tế trên, trong các năm qua công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và người dân tỉnh Quảng Ninh. Trong đó chú trọng đến việc nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng đê điều, công trình thủy lợi.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 397 km đê các loại, gồm: 33 km đê cấp 3, 134 km đê cấp 4 và 230 km đê cấp 5, bảo vệ hơn 43.600 ha diện tích đất sản xuất và sinh hoạt, cùng với khoảng 250.000 người dân sống tại các vùng trũng, ven biển và ven sông. Nhờ sự đầu tư từ Trung ương và tỉnh, khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống đê ở Quảng Ninh đã được cải thiện đáng kể trong hơn 30 năm qua, nhưng hiện nay mới chỉ đủ khả năng chịu được gió bão cấp 9, cấp 10 kết hợp mực nước triều trung bình.
Sau ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi (tháng 9/2024), nhiều đoạn đê cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, từ tháng 3/2025, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch duy tu, bảo dưỡng 8 tuyến đê cấp 4 với tổng kinh phí khoảng 36 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Sửa chữa các điểm sạt lở chân đê và một số cống dưới đê bị hư hỏng; gia cố nền đê và kiên cố hóa mặt đê; xử lý sập tổ mối; trồng cây chắn sóng và cải tạo hành lang chân đê...
Trao đổi với PV Đại đoàn kết, ông Bùi Xuân Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án trồng rừng Việt Đức (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh) - chủ đầu tư các dự án duy tu, bảo dưỡng 8 tuyến đê cấp 4, thông tin: Hiện đơn vị đang tổ chức lựa chọn nhà thầu và dự kiến khởi công trong tháng 8. Các tuyến đê đều được triển khai cùng thời điểm, tuy nhiên do quy mô khác nhau nên thời gian hoàn thành các công trình dự kiến trong quý III và đầu quý IV năm nay.
Xác định việc nâng cấp hệ thống đê điều là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án "Nâng cao an toàn hệ thống đê điều thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050".
Trao đổi với PV Đại đoàn kết, ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh, thông tin: Triển khai xây dựng Đề án từ tháng 5 đến nay chúng tôi đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng hệ thống đê trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá cho thấy, chỉ cần gió bão cấp 11, cấp 12 và thủy triều ở mức trung bình khá thì hệ thống đê đã bị uy hiếp.
"Chúng ta không thể chống lại được thiên nhiên mà chỉ có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra và cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước trong mọi tình huống... Với quan điểm đó, chúng tôi xây dựng Đề án hướng tới việc nâng cấp, xây dựng các tuyến đê xung yếu (như tuyến đê cấp 3 Hà Nam, các tuyến đê cấp 4 thuộc khu vực Đông Triều trước đây, các tuyến đê ven biển khu vực Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái trước đây) có đủ khả năng chống chịu với tình huống thiên tai tương tự như bão Yagi. Đối với các tuyến đê khác chấp nhận cho tràn nhưng không được vỡ đê", ông Phương chia sẻ.
Hiện nay, Đề án đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ được trình lên UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2025, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra.
Tuyến đê Hà Nam - tuyến đê cấp 3 duy nhất của tỉnh Quảng Ninh luôn có lực lượng theo dõi hiện trạng, canh trực 24/24h trong mùa mưa bão, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất. Ảnh: Ngọc Anh.
Song song với việc dành nguồn lực lớn để nâng "chất" hệ thống đê điều, Quảng Ninh còn thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ công trình, kịp thời xử lý nếu phát hiện dấu hiệu mất an toàn.
Việc xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập hộ đê, chuẩn bị vật tư, thiết bị, thông tin liên lạc… cũng được triển khai đồng bộ theo phương châm “4 tại chỗ”. Mỗi đợt diễn tập không chỉ giúp lực lượng chủ động hơn, mà còn nâng cao ý thức, kinh nghiệm cho người dân khi đê xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và có trách nhiệm tham gia bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn...
Ngọc Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/quang-ninh-chu-dong-tu-bo-he-thong-de-dieu-truoc-mua-mua-bao-10309474.html