Chiều 4.4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt báo chí về Tháng hành động vì HTX và Năm quốc tế HTX 2025.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu. Ảnh: BTC
Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, năm 2024, cả nước thành lập mới 1.942 HTX, trong đó Quảng Ninh dẫn đầu với 152 HTX; tiếp đến là Hà Nội và Yên Bái cùng đạt 120 HTX.
Như vậy đến 31.12.2024, ước tính tổng số HTX trên cả nước là 33.557 HTX, tăng 1.454 HTX so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 22.415 HTX nông nghiệp (chiếm 66,8%).
Các HTX thu hút hơn 6,139 triệu thành viên (chủ yếu là đại diện hộ gia đình), tăng 108,134 nghìn thành viên so với năm 2023. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 68.013 tỷ đồng, tăng 6,94% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân 2,027 tỷ đồng/HTX (năm 2023 là 1,981 tỷ đồng/HTX). Tổng tài sản của các HTX là 178.941 tỷ đồng, tăng 0,18% so với năm trước.
Tổng doanh thu của các HTX đạt 95.273 tỷ đồng, bình quân đạt 2,839 tỷ đồng/HTX (năm 2023 là 2,776 tỷ đồng/HTX); lãi bình quân 203,4 triệu đồng/HTX (năm 2023 là 200 triệu đồng/HTX).
Hiện, cả nước có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX), với hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi. Trong tổng số trên 5.300 chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, có 38,1% là từ các HTX.
Dù đạt được kết quả khả quan song các HTX vẫn rất khó khăn, thách thức, như chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; số lượng xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều nên giá trị cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; thiếu đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn cao và tầm nhìn dài hạn…
Đặc biệt, tín dụng vẫn là khó khăn cố hữu của các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX, vốn tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Xác định 2025 là năm then chốt để triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, HTX, liên hiệp HTX Việt Nam đề xuất tục điều chỉnh chỉnh khung pháp lý liên quan đến HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai và các chương trình ưu đãi.
Các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách về vốn vay ưu đãi, xúc tiến thương mại, phải bảo đảm công bằng, bình đằng giữa các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.
“Việc giảm yêu cầu tài sản thế chấp hoặc xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng sẽ giúp các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn vay”, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị.
Cùng với đó, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX. Đẩy mạnh hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX liên kết xây dựng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, gồm: chi phí đăng ký, chứng nhận; tem nhãn, bao bì sản phẩm.
Tại sự kiện, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân thông tin về Tháng hành động vì HTX Việt Nam năm 2025.
Trọng tâm trong Tháng hành động là Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững”, được tổ chức vào ngày 11.4 tới. Diễn đàn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Cùng ngày, sẽ diễn ra Lễ tôn vinh HTX tiêu biểu và trao Giải Ngôi sao hợp tác xã “Coop Star Awards 2025” cho 100 HTX tiêu biểu.
Cũng trong khuôn khổ Tháng hành động vì HTX 2025, ngày 12.4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo Hỗ trợ HTX tiêu biểu nâng cao năng lực tiếp cận vốn vay và kết nối giao thương. Hội thảo sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Đ. Thanh