Quảng Ninh: Hiến kế phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới

Quảng Ninh: Hiến kế phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới
12 giờ trướcBài gốc
Hội thảo có sự tham dự của hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các giáo viên, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Phát triển Giáo dục Hạ Long trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Đồng thời khẳng định, Hạ Long luôn xác định là địa phương có tính tiên phong, dẫn dắt, đột phá đi đầu trong các mục tiêu phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, giáo dục và đào tạo phải phát triển đột phá mới, nhất là trong đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục và đào tạo và cơ sở vật chất, thi đua dạy tốt, học tốt. Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngay từ bậc phổ thông, tạo nền tảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ, văn minh, văn hóa, đủ đức, đủ tài cho thành phố, cho tỉnh và đất nước để cùng vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới.
Hiện nay, toàn thành phố có 117 trường học, gần 100.000 học sinh. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Hạ Long, 1 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh; 165 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục; có 5 trường Cao đẳng nghề có học sinh thành phố học kết hợp.
Năm 2024, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%.
Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo.
Đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn thành phố có 69 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 14 trường so với năm 2020, dự kiến hết năm 2024 có 88/117 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 75,2%). Về trình độ chuyên môn, toàn thành phố có tỷ lệ chung 94.6% giáo viên đạt chuẩn, trong đó đạt trình độ trên chuẩn 28,8%. Lộ trình nâng chuẩn đến hết năm 2025 đạt 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; 30% trở lên có trình độ trên chuẩn.
Bên cạnh đó, Hạ Long luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tăng cường môi trường học tập sử dụng ngoại ngữ, tin học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế. Thành phố luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp…
Tại phiên làm việc thứ nhất, Hội thảo đã cùng lắng nghe tham luận và tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục về các giải pháp phát triển giáo dục Hạ Long trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
GS.TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội gợi ý cho Giáo dục Hạ Long về "Giáo dục Đổi mới sáng tạo Xanh".
Chia sẻ về "Giáo dục Xanh (Giáo dục 6.0)", GS.TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hữu Đức gợi ý cho Giáo dục Hạ Long về "Giáo dục Đổi mới sáng tạo Xanh" thông quan phân tích 8 khía cạnh quan trọng của Giáo dục 6.0 khi kết hợp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, gồm: Tư duy khởi nghiệp xanh và sáng tạo vì phát triển bền vững; Chương trình giáo dục về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; Công nghệ hỗ trợ sáng tạo và khởi nghiệp; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh trong nhà trường;Đào tạo kỹ năng mềm và tư duy doanh nhân; Hợp tác quốc tế và tham gia cộng đồng toàn cầu; Thực hiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bền vững trong giáo dục; Xây dựng và triển khai Bảng xếp hạng Giáo dục Đổi mới sáng tạo xanh.
Còn theo GS.TS Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để phát triển Giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới thì cần tập trung vào các giải pháp như:Xây dựng và triển khai phát triển nguồn nhân lực của Hạ Long theo hướng tiến bộ và hiện đại; Tăng cường phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; Đảm bảo chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ bảo mẫu và giáo viên mầm non; Đổi mới quản trị giáo dục và thúc đẩy tự chủ trong trường học; Chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tài chính cho học sinh...
Tại phiên thứ hai của Hội thảo, các đại biểu là giáo viên, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ đơn vị về các mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng AI, dạy học ngoại ngữ và kỹ năng mềm, chính sách thu hút nhân tài,... Từ đó bàn các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong giáo dục và đào tạo;...
Ngọc Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/quang-ninh-hien-ke-phat-trien-giao-duc-ha-long-trong-ky-nguyen-moi-10294445.html