Tiềm năng lớn từ kho tàng di sản
Với kho tàng di sản phong phú, gồm hơn 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt và 362 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, Quảng Ninh đang chuyển hóa nguồn tài nguyên này thành động lực phát triển, gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn và tăng trưởng kinh tế.
Điểm nổi bật trong cách tiếp cận của tỉnh là chuyển từ bảo tồn “tĩnh” sang bảo tồn “động”, tức là vừa giữ gìn nguyên bản giá trị di sản, vừa tích cực đưa di sản vào đời sống đương đại, biến các lễ hội, phong tục, làng nghề, không gian lịch sử thành sản phẩm kinh tế – du lịch có giá trị. Sự đa dạng về văn hóa – từ văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ đến văn hóa dân tộc miền núi – chính là thế mạnh để Quảng Ninh tạo nên hệ sinh thái du lịch văn hóa phong phú, có bản sắc riêng biệt.
Thực tế, trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả rõ nét của mô hình phát triển này. Trong 4 tháng đầu năm 2025, riêng TP. Hạ Long đã đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 46.100 lượt, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2024. Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Tuần Du lịch Hè Hạ Long 2025 với điểm nhấn là Lễ hội Carnaval Hạ Long đã thu hút gần 652.000 lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.829 tỷ đồng, bằng 156% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của sản phẩm du lịch gắn với di sản, đồng thời khẳng định di sản văn hóa đang tạo ra giá trị kinh tế cụ thể và rõ ràng.
Quảng Ninh đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng gắn với các vùng di sản
Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế di sản, Quảng Ninh đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng gắn với các vùng di sản. Các tuyến du lịch tâm linh – văn hóa tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn… đang được hình thành và kết nối thành chuỗi không gian – thời gian – sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào quảng bá di sản, xây dựng các nền tảng giới thiệu sản phẩm văn hóa, đẩy mạnh số hóa dữ liệu di sản, tổ chức trải nghiệm thực tế ảo tại các điểm du lịch lớn.
Tỉnh Quảng Ninh xác định rõ, muốn phát triển kinh tế di sản bền vững, không thể dừng ở khai thác đơn lẻ mà cần xây dựng các chuỗi giá trị có tính liên kết cao. Các không gian di sản lớn như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bạch Đằng đang được kết nối với làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, văn hóa ẩm thực địa phương để tạo nên các tuyến du lịch đa trải nghiệm. Đồng thời, tỉnh đang triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn – khai thác di sản, hỗ trợ nghệ nhân, phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại hóa sản phẩm văn hóa thông qua các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử.
Tạo nền tàng vững chắc để phát triển dài hạn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Quảng Ninh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển kinh tế di sản. Nguy cơ “khai thác thô” các giá trị tự nhiên và văn hóa, sự mai một của các làng nghề truyền thống, biến tướng của du lịch tâm linh hay thiếu hụt cơ chế đặc thù để thu hút doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo tồn là những rào cản cần được xử lý kịp thời. Tỉnh đang từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách, đẩy mạnh hợp tác liên ngành, tăng cường vai trò của cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân – đặc biệt là giới trẻ – về giá trị di sản, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn.
.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 5,3 triệu lượt khách trong quý II. Ảnh: T.D
Trong năm 2025, Quảng Ninh dự kiến tổ chức tới 170 chương trình, sự kiện và hoạt động kích cầu du lịch trong và ngoài nước, bao gồm 24 chương trình cấp quốc gia và quốc tế, cùng 146 chương trình cấp địa phương. Riêng quý II/2025, ngành du lịch địa phương sẽ triển khai 55 hoạt động, trong đó có 25 chương trình hướng đến thị trường quốc tế và cấp quốc gia. Tất cả đều được xây dựng dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc, khai thác tối đa thế mạnh di sản để tạo sức hút mạnh mẽ. Mục tiêu là đón 5,3 triệu lượt khách trong quý II, với tổng thu từ du lịch ước đạt 14.720 tỷ đồng.
Rõ ràng, mô hình phát triển kinh tế di sản mà Quảng Ninh đang theo đuổi đã và đang cho thấy hiệu quả kinh tế cụ thể, bền vững. Di sản không chỉ là giá trị tinh thần, mà còn là “vốn liếng” quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội./.
Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Quảng Ninh cần có các biện pháp để thúc đẩy các giá trị của di sản, trong đó xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế kỳ quan thế giới. Mô hình này thực hiện trên nguyên tắc nâng cấp hình ảnh Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh, coi trọng phát triển kinh tế di sản, phát triển hạ tầng kinh tế di sản, hệ thống dịch vụ bổ sung.
Tiến Dũng