Dù chịu thiệt hại nặng do bão Yagi, nhưng Quảng Ninh vẫn quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu phát triển đã đề ra. Trong ảnh: Tàu du lịch vịnh Hạ Long hoạt động lại sau bão
Vượt lên khó khăn, khôi phục thần tốc
Vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, Quảng Ninh lại chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 (bão Yagi) gây ra, thiệt hại lên tới 28.000 tỷ đồng. Thiệt hại về tài sản, ngành nghề kinh doanh đã làm chậm lại sự phát triển. Dù thiệt hại, mất mát lớn, nhưng người Quảng Ninh vẫn thể hiện tình cảm, trách nhiệm với các địa phương cùng hoàn cảnh. Trên hết, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” cho thấy một Quảng Ninh tự lực, tự cường, bản lĩnh, đã và đang khắc phục hậu quả do bão gây ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Tỉnh đã chủ động các giải pháp khắc phục hậu quả của bão với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, đến thời điểm này, các hoạt động đã trở lại bình thường sau bão.
Các doanh nghiệp du lịch nhanh chóng tái thiết hạ tầng, thúc đẩy, kích cầu mở rộng tour, tuyến tham quan, thu hút du khách, nhất là khách quốc tế đến vịnh Hạ Long và danh thắng Yên Tử. Hoạt động xuất - nhập khẩu nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, đối với ngành than, Trung ương và Tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục thiệt hại, các biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh gặp vô vàn khó khăn bởi đại dịch Covid-19, gần đây là chịu thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi, nhưng bằng tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, Quảng Ninh đã vươn lên một cách mạnh mẽ, phát huy được thế mạnh của tỉnh.
Quảng Ninh phấn đấu giữ vững tăng trưởng trên 10% năm 2024 - năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Với tinh thần hào sảng, nghĩa tình, Quảng Ninh xin nhường lại gói hỗ trợ 100 tỷ đồng từ Chính phủ cho các địa phương miền núi phía Bắc khó khăn hơn cũng phải chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Nói đi đôi với làm, lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh đã phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí hàng ngàn tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện an sinh xã hội. Những đồng tiền được đến đúng đối tượng, kịp thời như trên 72 tỷ đồng cho ngành giáo dục và các địa phương hỗ trợ học phí kỳ năm học 2024 - 2025; cấp 38,5 tỷ đồng kinh phí dự toán năm 2024 để thực hiện chính sách nâng mức trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác…
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn tiếp nhận ủng hộ trên 133 tỷ đồng của các tập thể, cá nhân, Ban vận động cứu trợ tỉnh và các địa phương đã kịp thời phân bổ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ thêm cho các hộ dân tại 13 địa phương bị thiệt hại.
Giữ vững mục tiêu phát triển
Về cơ bản, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh đạt 8,02%. Mặc dù thấp hơn 2,07 điểm phần trăm so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2023, thấp hơn 1,61 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng 9 tháng năm 2024, nhưng đây là sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.
Tại Hội nghị lần thứ 56, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra đầu tháng 10/2024, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, tập thể Ban chấp hành đã thống nhất, quyết tâm phấn đấu năm 2024 giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số, thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, tổng khách du lịch đạt trên 19 triệu lượt. Trong quá trình thực hiện, tiếp tục kế thừa, phát huy, tạo dựng những lợi thế đang có và sẽ có để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực, thúc đẩy phát triển theo chiều sâu và bền vững.
Để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra của năm 2024, Quảng Ninh tập trung vào các động lực tăng trưởng, gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế; kinh tế di sản; kinh tế đô thị, kinh tế số; củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tăng sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công.
Tiếp tục khai thác tối đa hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy hợp tác, kết nối liên vùng và quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Nhìn lại gần 2 nhiệm kỳ qua, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao, giữ ổn định. Trong 9 năm liên tục (2015 - 2023) Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số, trong đó năm 2023 tăng trưởng đạt 11,02% (gấp 2 lần so với trung bình cả nước). Quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh tăng nhanh, năm 2022 đạt 267.651 tỷ đồng, gấp 4,85 lần so với năm 2010, đứng thứ 3 và đóng góp 9,3% vào tổng quy mô nền kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng; năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020, GRDP bình quân đạt 9.615 USD/người.
Cho dù hành trình còn nhiều chông gai, nhưng sự kiên định của chính quyền, người dân Quảng Ninh vẫn không lay chuyển. Tất cả hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hàng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Đến năm 2030, xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD.
Kỷ luật và Đồng tâm là sức mạnh
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã và đang thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là phát triển các hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, qua đó chứng minh cho việc “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” thật sự là sức mạnh nội sinh để Quảng Ninh vững vàng bước tiếp trên chặng đường phát triển bền vững, tạo sự bứt phá. Có thể nói, đây là một điểm sáng của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Trên quan điểm mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.
Với việc đổi mới tư duy, nhận thức, xác định phương hướng phát triển, Quảng Ninh đã đưa ra và là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình có tính đột phá như: mô hình “Dân tin - Đảng cử”; mô hình “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “Đầu tư tư, sử dụng công”, “Sở hữu công, quản trị tư”; mô hình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; mô hình “vốn hóa” các giá trị văn hóa. Tất cả đã tạo thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ.
Rồi nữa, “Giao thông đi trước một bước”, “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực bằng cách kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, chính vì thế mới có một Quảng Ninh của hôm nay.
Một Quảng Ninh với sự định hình rõ nét chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá” như Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bắt kịp xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ các chuỗi giá trị toàn cầu, hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển, sự chủ động, đi trước đón đầu, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, Quảng Ninh đã loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ và tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển, để trở thành cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc. Quảng Ninh của hành trình 61 năm “Đồng tâm - Kỷ luật” vững bước tới tương lai.
Thanh Sơn