Quảng Ninh thay đổi kịch bản tăng trưởng năm 2025, nâng mức tăng trưởng lên 14%

Quảng Ninh thay đổi kịch bản tăng trưởng năm 2025, nâng mức tăng trưởng lên 14%
4 giờ trướcBài gốc
Sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Đông Mai, tỉnh Quảng Ninh.
Tại cuộc họp ngày 11/2/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đưa kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mức tăng trưởng kinh tế 14%, mức cao nhất từ trước đến nay của Quảng Ninh. Mức tăng trưởng này cũng cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời cũng tăng hơn 2% so với Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 237/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh.
NĂM 2025: NỖ LỰC ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU
Sự thay đổi kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, tuy khá bất ngờ, nhưng khả thi.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh chỉ đạt mức 8,42%, đứng thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 20 cả nước.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đã không đạt mục tiêu đề ra ban đầu của tỉnh Quảng Ninh, phải trên 10%. Nhưng nhìn vào thực tế thì mức tăng trưởng 8,42 % cũng rất ấn tượng vì tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi), nó đã gây thiệt hại trên 28.000 tỷ đồng, tương đương giảm 0,65% tăng trưởng GRDP của tỉnh.
KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) .
Quảng Ninh đã tập trung dồn sức người và sức của để khắc phục hậu quả sau bão, vừa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa chăm lo, ổn định đời sống cho người dân. Nếu không bị cơn bão tàn phá thì Quảng Ninh dư sức đạt tăng trưởng 2 con số.
Để hiện thực mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là 14%, quy mô nền kinh tế năm 2025 sẽ đạt khoảng 395.000 tỷ đồng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng, Quảng Ninh cần cố gắng tối đa, nỗ lực cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, kịch bản này được xây dựng trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, kịch bản cũng đã xây dựng những giải pháp quyết liệt, trực diện giải quyết vấn đề trong điều kiện thực hiện tốt nhất ở cả 3 khu vực kinh tế.
GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Quảng Ninh cần phát triển kinh tế số và coi đó là trụ cột kinh tế mới của Quảng Ninh. Và ngay lúc này, Quảng Ninh cần phải làm sao giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Muốn vậy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho rằng phải tập trung tháo gỡ dứt điểm, tổng thể tất cả các điểm nghẽn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm nay như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nguồn đất san lấp, rà soát, điều chỉnh ngay các quy định không còn phù hợp với thực tế.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất lúc này là đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tất cả các dự án đầu tư công đang triển khai phải đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nhanh nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, đảm bảo nhanh chóng đưa các dự án đi vào khai thác, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư và có đủ điều kiện để khởi công ngay trong năm 2025.
Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tập trung giải quyết các vướng mắc về thủ tục đối với các dự án đầu tư bất động sản. Đặc biệt là các dự án chủ đầu tư đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể triển khai thi công ngay trong năm 2025.
Đối với việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phải tập trung giải phóng mặt bằng nằm trong phạm vi quy hoạch của các khu công nghiệp, tỉnh đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư trong khu vực đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay; đồng thời tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Các ngành văn hóa, thể thao, du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các sự kiện lớn, thu hút 20 triệu lượt khách du lịch; đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới mang lại giá trị gia tăng cao.
Và để đảm bảo kịch bản tăng trưởng này thì Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng phải đi vào sản xuất thương mại đúng như dự kiến, đạt 20.000 ô tô trong năm 2025. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất để có sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; đôn đốc các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư đi vào sản xuất đúng tiến độ đã cam kết, trọng tâm là các nhà máy của các tập đoàn Foxconn, Lite on, TCL...
Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu nghiên cứu các dự án đầu tư hạ tầng một cách tổng thể nhằm phát triển đô thị khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục, từ đó gia tăng lợi thế của đô thị thành phố Hạ Long trong thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Đây được xác định là động lực phát triển rất quan trọng trong giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó, hoàn thiện báo cáo trình Trung ương xem xét, quyết định các cơ chế đặc thù cho Khu Kinh tế Vân Đồn; nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Lý Hà
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/quang-ninh-thay-doi-kich-ban-tang-truong-nam-2025-nang-muc-tang-truong-len-14.htm