Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, tổng vốn của tỉnh được giao ước tính hơn 11.000–13.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, toàn tỉnh mới giải ngân được hơn 3.200 tỷ đồng, đạt khoảng 27,5% kế hoạch. Đây là mức thấp so với yêu cầu tiến độ, đặt ra áp lực rất lớn cho nửa cuối năm.
Quảng Ninh tìm cách giải ngân gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá một số nguyên nhân chủ yếu khiến giải ngân chậm gồm: việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp sang hai cấp làm gián đoạn khâu chỉ đạo, điều hành; công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc; thủ tục đầu tư một số dự án phức tạp, kéo dài. Ngoài ra, biến động giá nguyên vật liệu, đặc biệt là vật liệu san lấp, cũng gây khó khăn đáng kể cho các nhà thầu thi công.
Để tháo gỡ tình trạng này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát từng dự án cụ thể, tập trung tháo gỡ các nút thắt về thủ tục, mặt bằng và vật liệu.
Tỉnh cũng chỉ đạo đơn vị quản lý dự án phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hồ sơ, thanh toán khối lượng hoàn thành. Những dự án không bảo đảm giải ngân sẽ bị xem xét điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng triển khai tốt hơn.
Song song đó, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các chủ đầu tư chủ động hơn trong khai thác, cân đối nguồn cung vật liệu san lấp, tận dụng đất đá thải mỏ để giảm chi phí và đảm bảo tiến độ thi công.
Việc phối hợp giữa các địa phương cấp xã, huyện và tỉnh trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng đấu nối được nhấn mạnh là giải pháp then chốt để bảo đảm không có dự án bị đình trệ.
Giải ngân vốn đầu tư công được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thu ngân sách gặp nhiều thách thức.
UBND tỉnh khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp gây chậm tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm.
Hoàng Dương